Quy trình khám bệnh mới: Các bệnh viện thực sự muốn áp dụng?
Xã hội - Ngày đăng : 06:49, 29/04/2013
Thời gian chờ đợi trung bình tại các khoa khám bệnh hiện tại từ 4 đến 8 giờ, cá biệt có trường hợp bệnh nhân phải chờ cả ngày, thậm chí nhiều ngày. Đó là lý do khiến Bộ Y tế ban hành quy trình khám bệnh mới. Để hoàn thiện quy trình, từ đầu năm 2013, Bộ Y tế đã lấy ý kiến đóng góp của giám đốc các bệnh viện đối với dự thảo quy trình khám bệnh mới tại hội nghị Câu lạc bộ giám đốc bệnh viện các tỉnh phía Bắc (tháng 2-2013).
Triển khai quy trình khám bệnh mới sẽ giúp người bệnh tránh được nhiều phiền hà. Ảnh: Trọng Hải. |
Quy trình mới đặt mục tiêu giảm thời gian chờ đợi và khám bệnh tại các khoa lâm sàng xuống còn từ 2 đến 4 giờ - tức là bằng một nửa so với trước, trong đó bệnh nhân khám lâm sàng đơn thuần chỉ mất tối đa dưới 2 giờ - tính cho cả 4 khâu tiếp nhận bệnh nhân, khám bệnh, nộp viện phí, lĩnh thuốc. Bệnh nhân cần thêm các xét nghiệm, thăm dò chức năng, chụp chẩn đoán hình ảnh thì cần thêm 1-3 khâu và thời gian cần thêm là 1-2 giờ đồng hồ. So với thời gian thăm khám hiện hành, quy trình này đã rút ngắn được 3-5 khâu. Đáng chú ý, nếu làm được như mục tiêu trên thì đây là lần đầu tiên Bộ Y tế có một mốc thời gian cụ thể để bệnh nhân biết và chuẩn bị.
Ngay trước khi ký văn bản này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thừa nhận, thời gian chờ đợi tại các bệnh viện hiện nay là quá dài. "Các cụ đi khám bệnh ngay sau khi đi tập thể dục buổi sáng mà 3 giờ chiều mới được lĩnh thuốc, đó là điều khó chấp nhận" - Bà Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét.
Tuy nhiên, để có thể rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân xuống còn 2-4 giờ như mục tiêu mà Bộ Y tế đã đề ra, cần triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp như: Dịch vụ đặt lịch hẹn qua điện thoại và internet, mở thêm các "cửa" làm thủ tục, tăng số buồng khám, bố trí liên hoàn khu khám, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh… Mà muốn làm được như vậy lại đòi hỏi phải có tài chính, trong khi thực tế không phải bệnh viện nào hiện cũng có đủ tiền để cải cách dịch vụ.
Cái khó bó cái khôn?
Mặc dù đã giảm tải hơn chút ít so với đầu năm 2012, do đã có thêm 1.600 giường bệnh mới của nhóm bệnh viện tuyến TƯ cung cấp cho hệ thống y tế, đặc biệt là 300 giường của Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều, hơn 100 giường của Trung tâm Ung bướu và Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai, 500 giường tại cơ sở 2 Bệnh viện nội tiết TƯ, nhưng hầu hết bệnh viện tuyến TƯ hiện nay vẫn ở trong tình trạng quá tải.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết, trước khi Bộ Y tế ban hành quy trình này, bệnh viện đã có quy trình mới và đã giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân tại khoa khám bệnh từ 7-8 giờ xuống còn 4-5 giờ. Mặc dù đã có sự cố gắng nhằm thực hiện mục tiêu giảm tải nhưng tình hình vẫn chưa "sáng" được bao nhiêu. Cá biệt, vẫn có bệnh nhân phải chờ đợi cả ngày do cần được chẩn đoán bằng thiết bị đặc biệt, mà bệnh viện chỉ có 1-2 thiết bị nên bệnh nhân buộc phải xếp hàng. Tại một số khoa, phòng như Khoa Thần kinh, Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị ung bướu, tình trạng bệnh nhân phải ghép giường vẫn khá phổ biến. Nhiều bệnh viện khác cũng không khá hơn. Trong chuyến khảo sát tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cách đây khoảng hai tuần, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận "bệnh viện này vào ban đêm trông như trại tị nạn".
Theo Bộ Y tế, nhằm bảo đảm thời gian chờ và khám bệnh như quy trình mới, ngành y tế và bảo hiểm xã hội đã bàn bạc để giảm số chữ ký cần thiết cho nhóm bệnh nhân bảo hiểm y tế từ 7 xuống còn 4 chữ ký. Với bệnh nhân cần photocopy giấy tờ tùy thân, bệnh viện phải nhận phần photocopy chứ không để bệnh nhân phải tự làm, rất mất thời gian. Tuy nhiên, những việc nói trên, được cho là sẽ giúp giảm phiền hà cho bệnh nhân, trước mắt chỉ được áp dụng ở những đơn vị đã thực hiện viện phí mới. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hiện là hai địa phương cuối cùng của cả nước chưa phê duyệt viện phí mới và dự kiến cũng sẽ không áp dụng viện phí mới cùng lúc để tránh đẩy chỉ số giá tiêu dùng lên cao - những cải tiến nói trên cũng chưa được triển khai, phải đợi viện phí mới.
Quy trình mới đã có, tài chính bắt buộc phải trích từ nguồn viện phí mới, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tuy chưa phê duyệt khung viện phí nhưng dự kiến kỳ họp hội đồng nhân dân tới đây sẽ đưa vấn đề này ra bàn thảo, quyết định. Về cơ bản, vấn đề chỉ còn là quyết tâm của lãnh đạo các bệnh viện đến đâu, có thực sự muốn "cải tổ" để tạo chất lượng dịch vụ tốt hơn hay không mà thôi.