Nhập siêu và cách nhìn đa chiều
Kinh tế - Ngày đăng : 06:33, 29/04/2013
Theo các chuyên gia, sau khi duy trì liên tục tình trạng xuất siêu từ cuối năm 2012 và cả trong quý I năm nay, tình trạng nhập siêu đã tái hiện vào tháng 4. Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 4-2013, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước đạt 9,7 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu (KNNK) đạt khoảng 10,7 tỷ USD. Như vậy, riêng tháng 4, cả nước nhập siêu tới 1 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, KNXK của cả nước đạt 39,5 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, KNNK đạt gần 40,2 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2012 và mức nhập siêu là hơn 700 triệu USD.
Phát triển công nghiệp phụ trợ là một trong những biện pháp giảm nhập siêu. Ảnh: Khánh Nguyên |
Vấn đề đặt ra là nhập siêu bắt nguồn từ đâu, có đáng lo ngại không? Phần lớn giá trị nhập khẩu thuộc về các doanh nghiệp (DN) trong nước, chủ yếu là nhập máy móc, thiết bị, nhất là nguyên, phụ liệu cùng các loại vật tư. Điều này cho thấy DN đã biết "đói" và gia tăng nhu cầu sử dụng nguyên, vật liệu cho sản xuất. Đây là tín hiệu không đáng ngại bởi thể hiện sự hồi phục bước đầu của nhiều ngành sản xuất công nghiệp, nhất là đối với một số ngành phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày, xây lắp, cơ khí, điện thoại di động. Đây là sự thay đổi bình thường và trái ngược với tình trạng trầm lắng trong sản xuất, dẫn đến giảm nhu cầu về nguyên, vật liệu như thời gian trước. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, nhập siêu cần được khống chế nhằm từng bước tạo tình huống cân bằng cán cân thương mại, tiết kiệm ngoại tệ trong bối cảnh đất nước đang cần ngoại tệ để đầu tư cho xây dựng hạ tầng, xóa đói giảm nghèo cũng như các công trình quốc gia.
Yêu cầu trước mắt vẫn là kiểm soát nhập khẩu, tập trung vào quản lý hàng nhập khẩu có phù hợp hay không, kết hợp với khống chế nhập các loại hàng trong nước đã sản xuất được hoặc hàng xa xỉ. Muốn giải bài toán nhập siêu, cần có chính sách đủ mạnh và hợp lý nhằm phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để các DN tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị trong nước khi mà sản phẩm đầu ra của DN này sẽ là đầu vào của DN khác. Làm được như vậy, các DN sẽ bớt phụ thuộc nguồn nguyên, vật liệu nhập ngoại, lại có thể tạo thêm việc làm cũng như tăng cường sự gắn kết giữa các bạn hàng nội địa với nhau. DN thuộc ngành phụ trợ cũng có cơ hội trở thành nhà cung cấp linh kiện cho hàng nghìn dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời tiếp thu chuyển giao công nghệ ngay ở trong nước. Mặt khác, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên thiếu nguồn lực, nguyên vật liệu và máy móc thiết bị, nên nhập siêu là bình thường. Bên cạnh đó, thời gian tới, Chính phủ sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tập trung vào những dự án sản xuất phục vụ xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu để từng bước chủ động, cũng như làm lành mạnh hóa quan hệ xuất - nhập khẩu. Trong đó, đích ngắm là các tập đoàn đa quốc gia với những dự án lớn xây dựng cơ sở sản xuất mang tầm khu vực tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là nhiều cơ quan chức năng vẫn tiếp tục cảnh báo tình trạng nhập siêu ở Việt Nam lại chủ yếu là trong quan hệ thương mại với các nước thuộc Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Lý giải về thực tế này, đại diện các DN xác nhận là họ thường nhập khẩu vật tư, nguyên liệu từ các đối tác trên vì giá "mềm", chất lượng bình dân dễ sử dụng, thuận lợi trong việc vận chuyển do cung đường ngắn… Thực tế này đã diễn ra từ lâu nhưng chưa được "phanh" lại và tiếp tục gây ra hậu quả là Việt Nam luôn thâm hụt cán cân thương mại, đặc biệt là nhập siêu rất cao từ Trung Quốc… Từ đó, nền kinh tế nước ta cũng như các DN trực tiếp nhập khẩu không có sự lựa chọn tối ưu về công nghệ và chất lượng hàng hóa nhập khẩu chưa cao so với việc nhập khẩu cùng một loại hàng từ các nước phát triển cao thuộc EU, Hoa Kỳ.