Suy thoái kinh tế và câu chuyện công nghệ của doanh nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 06:02, 29/04/2013
Tuy nhiên, đó là một "thế giới phẳng" có điều kiện dựa trên nền tảng là những tiến bộ công nghệ. Điều kiện của nó là sự tự do chuyển giao, tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới. Vậy công nghệ mới bắt nguồn từ đâu nếu không phải là từ sự đầu tư của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp (DN)... Soi rọi những luận điểm từ hơn 10 năm trước của T.Friedman vào đời sống kinh tế, khoa học nước ta hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang ở giai đoạn suy thoái mới thấy hết ý nghĩa của vấn đề cần xây dựng nền khoa học, công nghệ (KHCN) "thực sự trở thành động lực phát triển đất nước" quan trọng như thế nào. Đây cũng là cách duy nhất để những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Những thành quả của gần 30 năm đổi mới đất nước là không thể phủ nhận. Nhưng đằng sau đó cũng luôn thường trực câu hỏi: Vì sao hàng Việt khó cạnh tranh trên thị trường thế giới hoặc trong số 10 mặt hàng mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất cho đất nước, cơ bản vẫn có nguồn gốc từ sản xuất nông nghiệp? Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này có thể thấy rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên không thể chối bỏ thực tế là công nghệ sản xuất tại các DN nước ta đã quá lạc hậu. Cái gốc sâu xa nữa là cộng đồng DN hầu như không mấy quan tâm đến sự phát triển của KHCN nước nhà và của chính DN.
Một cuộc khảo sát gần đây của Sở KHCN TP Hồ Chí Minh tại gần 700 DN hoạt động tại 12 khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn để đánh giá trình độ công nghệ cho thấy, 51% DN có trình độ công nghệ lạc hậu; chỉ có 25% đơn vị có công nghệ đạt khá trở lên. Sự lạc hậu về công nghệ và kỹ thuật đã và đang tạo ra các sản phẩm có giá trị thấp, thiếu ổn định. Chưa kể đến khả năng cạnh tranh bằng giá khi giá thành các sản phẩm trong nước thường cao hơn các sản phẩm nhập khẩu 10-30%. Đây là hệ quả việc sử dụng các công nghệ tụt hậu từ hai, ba thế hệ và chưa làm chủ được công nghệ nguồn. Rõ ràng, bức tranh công nghệ từ địa phương luôn dẫn đầu cả nước về giá trị xuất khẩu, GDP... là không sáng sủa.
Hệ quả từ câu chuyện trên ra sao thì ai cũng thấy rõ, điển hình là sự phát triển của FPT trong hơn 20 năm qua. Mang danh là DN công nghệ hàng đầu Việt Nam nhưng sự thực, FPT đến nay không được nhắc đến bằng những sáng chế có khả năng áp dụng trên diện rộng mà thực chất chỉ là DN bán thiết bị cho nước ngoài. Rồi "cái chết" của ngành điện tử Việt Nam; sự "vỡ trận" trong ước mơ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô; sự thua thiệt của ngành xuất khẩu may mặc, da giày do không làm chủ được khâu thiết kế, công nghệ dệt… đều là "trái đắng" khi DN không có chiến lược đầu tư cho nghiên cứu - phát triển (R&D). Chỉ đến gần đây, tiến trình toàn cầu hóa, cùng với đó là suy thoái kinh tế, nhiều DN mới "ngộ" ra rằng, nếu không làm chủ công nghệ, mãi mãi họ sẽ ở phía sau. Và trách nhiệm trong vấn đề này của Nhà nước là không nhỏ.
2. Phát triển DN theo mô hình cheabol - tập đoàn - của Hàn Quốc có thời gian được nhiều nhà quản lý kinh tế của Việt Nam đề cập và xem đây là những "quả đấm thép" của nền kinh tế. Sự thành, bại của mô hình này đến nay đều đã rõ, nhưng rõ hơn là tình trạng các tập đoàn, tổng công ty lớn của nước ta hầu hết bỏ trống lĩnh vực KHCN. Thậm chí, nhiều đơn vị còn xin trả lại bộ, ngành chủ quản các đơn vị nghiên cứu vốn nằm trong hệ thống của DN để cho "nhẹ nợ". Điều này trái ngược với kinh nghiệm từ các cheabol khi họ là những trụ cột chính trong sáng tạo, phát triển công nghệ tại Hàn Quốc. Cụ thể, để có những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu hiện nay trong lĩnh vực đóng tàu, bán dẫn, điện tử... như Posco, Hyundai, Samsung, LG... các tập đoàn, DN này đã không ngần ngại đầu tư hơn 70% tổng kinh phí cho KHCN của Hàn Quốc mỗi năm. Khi bỏ tiền túi ra, các ông chủ tập đoàn, DN sẽ biết cách tiêu làm sao để mang lại hiệu quả cao nhất, hoàn toàn khác với lối tiêu tiền từ ngân sách vốn nặng về thủ tục hành chính và định mức rất xa thực tế như đang tồn tại ở nước ta từ vài chục năm nay.
Mặt khác, một trong những chính sách được nhiều nước phát triển chú trọng hiện nay là khuyến khích thành lập các tổ chức nghiên cứu liên kết với DN. Hiện nay, khoảng 130 viện nghiên cứu của Hàn Quốc được xếp liên kết với DN và những đơn vị này nhận được nhiều ưu đãi từ chính phủ. Ngoài ra, thay vì hỗ trợ mạnh cho các tập đoàn kinh tế như cách đây khoảng 10 năm về trước, hiện nay Hàn Quốc ưu tiên hàng đầu cho cộng đồng DN nhỏ và vừa trong ứng dụng công nghệ mới. Có thể thấy rõ chiến lược này qua mô hình các khu công nghệ cao với mục tiêu là động lực cho sự hợp tác phát triển của công nghệ và kinh doanh bằng cách tập trung hóa hoạt động cải tiến công nghệ từng vùng miền tại các DN, trường ĐH và các viện nghiên cứu vào cùng một chỗ, tạo thành các cụm cải tiến công nghệ. Đây sẽ là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Ở nước ta, tổng đầu tư từ tất cả các nguồn cho KHCN dù cố gắng lắm cũng chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD (trong đó, đầu tư từ Nhà nước năm 2011 là 14.442 tỷ đồng, tương đương 700 triệu USD). Số tiền này là vô cùng bé nhỏ so với nhu cầu phát triển KHCN. Nhưng cũng không phải tất cả số tiền ấy dành cho hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ mà chủ yếu để trả lương cho đội ngũ nghiên cứu, quản lý; xây dựng cơ sở vật chất... Không những thế, kinh phí cho KHCN còn được nhiều địa phương "xẻo" ra cho việc thực hiện các mục đích khác... Hậu quả là nền KHCN nước nhà đã tụt hậu, càng đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực và thế giới. "Trông người lại ngẫm đến ta": Chỉ riêng hãng Apple (Mỹ), để hoàn thiện và giới thiệu ra thị trường các sản phẩm iPad 2 và iPhone 4, hãng này đã chi hơn 1,8 tỷ USD cho công tác R&D. Đổi lại, trong cùng thời kỳ, thu nhập của hãng tăng lên 22,3 tỷ USD…
Những con số trên đã minh chứng một điều rằng, quốc gia nào muốn phát triển nhanh, mạnh, vững chắc đều phải chú trọng đến KHCN, trong đó đóng góp của các DN sẽ là xương sống. Nhà nước chủ yếu chỉ đầu tư vào lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn. Mặt khác, quốc gia nào có nền KHCN càng phát triển thì tỷ lệ đầu tư cho KHCN của khu vực ngoài nhà nước so với ngân sách nhà nước càng lớn, ví dụ: Ở Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ này thường là 3:1 đến 4:1; Trung Quốc cũng đã đạt được tỷ lệ 3:1 trong năm 2011.
3. Nghị quyết số 20-NQ-TƯ ngày 1-11-2012 của BCH Trung ương Đảng "Về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế" đã chỉ rõ thực trạng nước ta "chưa hình thành nhu cầu tự thân đủ mạnh của các DN trong việc phát huy vai trò của KHCN". Nghị quyết cũng đưa ra nhiệm vụ và giải pháp: "Có cơ chế sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế hỗ trợ đổi mới và chuyển giao công nghệ. Khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với Nhà nước thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ cao. Nghiên cứu ban hành quy định về việc DN trong nước lập quỹ phát triển KHCN; coi đây là yêu cầu bắt buộc với DN nhà nước và là hoạt động được khuyến khích đối với các DN khác"... Vấn đề đặt ra ở đây là DN Việt Nam đổi mới công nghệ theo hướng nào, lấy nguồn vốn ở đâu trong giai đoạn suy thoái kinh tế chưa có điểm dừng và vai trò của Nhà nước ở đâu?
Trong cái khó, nhiều khi lại xuất hiện cơ hội. Cụ thể, cơ hội tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của DN, đặc biệt là những DN KHCN. Theo đó, DN KHCN được hưởng những ưu đãi cao nhất về thuế, nghĩa là họ được miễn hoàn toàn 4 năm thuế thu nhập DN, giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia cũng sẽ ra đời với số vốn nhiều nghìn tỷ đồng. Đây sẽ là kênh hỗ trợ mới giúp DN tham gia vào hoạt động KHCN nhiều hơn. Và thực sự, nếu có chiến lược tốt, DN hoàn toàn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam...
Để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư, đổi mới KHCN trong DN, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực từ DN, cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Đó là, các chính sách miễn, giảm thuế đối với DN trong quá trình thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới và giai đoạn đầu của quá trình sản xuất sản phẩm đại trà. Các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN đối với sản phẩm được hình thành từ đổi mới công nghệ cũng cần được điều chỉnh vì lĩnh vực này luôn tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, xây dựng các mô hình hợp tác công tư, thu hút sự tham gia của các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các DN có đổi mới công nghệ. Nhà nước cũng cần thúc đẩy nhanh việc hình thành thị trường công nghệ, phát huy hiệu lực của Luật Sở hữu trí tuệ; tăng cường các hoạt động và năng lực cho các tổ chức DN dịch vụ, các hiệp hội DN trong công tác môi giới đầu tư KHCN, tư vấn chuyển giao công nghệ... Nếu không có sự chia sẻ của Nhà nước ngay từ ban đầu, rất ít DN mạnh dạn đầu tư vào đổi mới KHCN.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định: "Chưa bao giờ khoa học nước nhà lại có cơ hội thuận lợi như bây giờ với hàng loạt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được ban hành về phát triển KHCN". Để biến những "cơ hội vàng" ấy thành những sản phẩm mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao, hơn lúc nào hết, cộng đồng DN nước ta phải được coi là trung tâm của đổi mới, sáng tạo công nghệ có thể thương mại hóa. Hướng đi ấy cũng phù hợp với quan điểm từng bước xây dựng nền kinh tế tri thức của Đảng và Nhà nước ta trong những năm sắp tới.