Italia: Chính trường thoát cơn bế tắc

Thế giới - Ngày đăng : 05:48, 29/04/2013

(HNM) - Cuối cùng Thủ tướng mới được chỉ định của Italia Enrico Letta, Phó Chủ tịch đảng Dân chủ (PD) đã thành lập được Chính phủ liên minh mới.

Tổng thống Giorgio Napolitano đã quyết định chọn ông E.Letta sau khi Chủ tịch PD Pier Luigi Bersani thất bại trong quá trình đàm phán thành lập chính phủ và phải từ chức vì quyết tâm theo đuổi quan điểm từ chối mô hình chính phủ "đại đoàn kết" như Tổng thống G.Napolitano đề nghị. Trong bối cảnh xuất hiện quá nhiều bất đồng giữa các đảng phái Italia thì việc chỉ định ông E.Letta, cựu thành viên của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, vốn ít khi xuất đầu lộ diện được xem như một giải pháp "ôn hòa" để có thể nhận được sự đồng thuận từ các đảng phái. Bên cạnh đó, ở độ tuổi 47, ông E.Letta cũng giành được thiện cảm của cử tri khi được nhìn nhận là đại diện cho thế hệ trẻ trên sân khấu chính trị Italia.

Tổng thống Italia G.Napolitano (trái) và Thủ tướng E.Letta vui mừng khi đạt được thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh.


Như vậy, Chính phủ mới của Thủ tướng E.Letta sẽ là sự kết hợp giữa PD, đảng Nhân dân Tự do (PDL) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Theo tiết lộ mới nhất từ ông E.Letta, nội các mới sẽ gồm các nhà lãnh đạo với độ tuổi trung bình là 53 và tỷ lệ bộ trưởng là phái đẹp tăng lên để làm mới bộ mặt chính trường đã quá mệt mỏi của Italia thời gian qua. Ngay sau khi tuyên thệ (ngày 28-4), chính phủ mới sẽ phải trải qua các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội hôm nay (29-4) và ngày mai (30-4).

Trên thực tế, để tìm được tiếng nói chung giữa các chính đảng hiện nay tại Italia trong chỉ vài ngày là không dễ dàng. Thách thức lớn với vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Italia là dung hòa được những mâu thuẫn kéo dài giữa PD và PDL. Với PD, suốt 2 thập niên vừa qua, S.Berlusconi được xem như đối thủ chính trị không khoan nhượng và bất cứ một phương án hợp tác nào cũng đều bất khả thi. Lý do chính là sự khác biệt về mục tiêu cũng như về cách đánh giá các giá trị pháp lý và ý tưởng tổ chức nhà nước của PDL mà biểu tượng là cá nhân ông S.Berlusconi. Do đó, đại bộ phận đảng viên của đảng PD đều không muốn "đội trời chung" với cựu Thủ tướng S.Berlusconi. Ngoài ra, lập trường khác biệt về chính sách thuế bất động sản cũng cản trở PD và PDL bắt tay hợp tác. Từ nhiều năm trước, thuế bất động sản vẫn được triển khai nhưng đến năm 2008, khi thắng cử vẻ vang, ông S.Berlusconi đã bãi bỏ sắc thuế này. Năm 2011, khi ông Mario Monti thành lập chính phủ kỹ trị trong hoàn cảnh Italia đứng bên bờ vực vỡ nợ, thuế bất động sản đã "tái xuất" nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách đang thâm thủng nặng. Vấn đề đặt ra là nếu chính phủ của Thủ tướng E.Letta chấp nhận bãi bỏ thuế bất động sản như ông S.Berlusconi yêu cầu thì lấy gì để trám vào khoảng thâm hụt do thuế bị bãi bỏ, nhất là khi Italia đang phải ra sức ngăn đà tăng bội chi ngân sách để đáp ứng quy định của Liên minh Châu Âu (EU)?

Hiện tại, Italia đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề cấp bách về kinh tế và xã hội. Suốt 10 năm qua, kinh tế Italia chỉ tăng trưởng trung bình chưa đầy 0,5%/năm, trong khi con số này ở các nước công nghiệp giàu có là 1,25%. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italia cần tăng mạnh hơn để làm nhẹ bớt gánh nặng nợ nần lên đến khoảng 2.000 tỷ euro, tương đương 130,4% GDP. Hiện Italia xếp ngay sau Hy Lạp, nước có tỷ lệ nợ/GDP cao nhất Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Với "tầm vóc" của nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone (sau Đức và Pháp) và là một thành viên sáng lập của đồng tiền chung Châu Âu, những khó khăn của Italia nếu không được giải quyết có thể làm suy giảm lòng tin của toàn khu vực.

Có thể nói rằng, chiến lược "đại đoàn kết" do Tổng thống G.Napolitano đề ra, và ông E.Letta là người được giao trọng trách thực hiện, là lá bài cuối để cứu vãn tình hình chính trị bế tắc của Italia hiện nay. Và nếu lá bài này không hóa giải được tình thế hiện nay thì kịch bản giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử lại sẽ là hiện thực không mong đợi tại Italia.

Vì thế, sự kiện Italia thành lập được tân nội các không chỉ phát đi tín hiệu lạc quan tại Châu Âu sau những bất ổn trên chính trường mà còn giúp đẩy lùi tâm lý hoang mang đang gia tăng trong dân chúng ở quốc gia bên bờ Địa Trung Hải.

Quỳnh Chi