Người mê cổ vật Thăng Long

Xã hội - Ngày đăng : 07:59, 28/04/2013

(HNM) - Yêu quý, say mê, coi như tri âm, tri kỷ của mình, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã dành tâm huyết cả đời cho việc sưu tập, khảo cứu cổ vật qua các triều đại. Ông được coi là một trong những nhà nghiên cứu hiếm hoi có khả năng

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã dành nhiều tâm huyết vào sưu tập, khảo cứu về cổ vật, cổ tự của Hoàng thành Thăng Long.


Cuốn hút bởi thế giới "người xưa"

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn xuất thân trong một gia tộc có tiếng thời Nguyễn ở Huế, là hậu duệ đời thứ 4 của Thượng thư bộ Hình triều Khải Định - Trần Đình Bá. Cụ Bá là người rất ham mê thư sách nên đã để lại một gia tài lớn tài liệu về Hán - Nôm, sách quốc ngữ, ngoại ngữ quý, truyền đến đời thứ 4 là ông Trần Đình Sơn. Ngoài sách, gia đình ông Sơn còn lưu giữ nhiều đồ có giá trị quý về lịch sử và khảo cổ học.

Ông Sơn kể, thuở còn nhỏ ông đã có niềm say mê đặc biệt với thú chơi cổ vật. Những lúc rảnh rỗi, ông thường đem những món cổ vật của gia đình (ở Huế) đặt lên bàn học ngắm nghía, chiêm ngưỡng. "Tôi tưởng tượng và cố gắng "lắng nghe" xem chúng đang ôm giữ bí mật gì. Và dù lúc đó chưa thể đọc được các hoa văn, họa tiết khắc trên cổ vật nhưng tôi biết chắc chắn chúng mang một giá trị nào đó về quá khứ" - ông Sơn nhớ lại.

Năm 1968, rời Trường Quốc học Huế, ông Sơn vào Sài Gòn học Đại học Luật, lúc đó vừa tròn 18 tuổi. Ông tình cờ gặp được cụ Vương Hồng Sển, là nhà sưu tập cổ vật có tiếng tại Nam bộ thời đó. Như cá gặp nước, niềm say mê cổ vật của người thanh niên trẻ bắt đầu sống dậy mạnh mẽ. Ông Sơn và cụ Sển trở thành hai người bạn vong niên gần gũi, thân tình, dù cách nhau đến gần 40 tuổi. Ông Sơn bảo, đó là mối giao tình hy hữu trong giới cổ ngoạn Sài Gòn thuở ấy và đó là một vinh dự lớn đối với ông vì chủ nhân của Vân Đường Phủ rất kén bạn. Thời gian sau đó, ông Sơn thường lui tới nhà cụ Sển để được chỉ dẫn kinh nghiệm thực tế về đồ cổ. Ngược lại, thỉnh thoảng ông Sơn cũng rước cụ Sển đi khắp các điểm bày bán đồ xưa ở Sài Gòn - Chợ Lớn để tìm kiếm cổ vật quý, hoặc có khi chỉ là đọc giúp một vài niên hiệu, câu thơ trên đồ sứ cổ mà cụ yêu cầu. "Hạnh phúc lớn nhất mà tôi lãnh nhận được từ con người "tiền triều" này là những bài học truyền khẩu đã giúp cho một người trẻ như tôi lúc đó có thể giao cảm được với cổ vật, nhập tâm, giải mã được những giá trị lịch sử của chúng".

Xuất phát từ sự trân trọng các giá trị lịch sử của cổ vật, thư sách thời xưa, cho đến nay ông Sơn đã tập hợp được một "kho sách" đồ sộ tại tư gia ở TP Hồ Chí Minh, với hơn 7.000 cuốn về các lĩnh vực lịch sử, văn học, tôn giáo bằng chữ Hán - Nôm do các tiền nhân để lại. Lúc còn sống, cụ Vương Hồng Sển cũng đã dành tặng riêng cho ông Sơn một số sách quý hiếm.

Giải mã Thăng Long thành

Mùa thu năm 2000, trong một dịp ra thăm Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại Hà Nội, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn bắt đầu chú ý đến các cổ vật mang dấu ấn của kinh đô Thăng Long. Khi được tận mắt ngắm chiếc đĩa sứ cổ có ghi niên hiệu qua các thời phong kiến, mà trước đây chỉ được đọc trong sách vở ("Đại Việt sử ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên), ông đã không khỏi xúc động, tự hào, càng trân trọng hơn những ghi chép công phu, chân thực của bậc tiền nhân. Đặc biệt, khi nhiều cổ vật Hoàng thành Thăng Long được phát hiện trong đợt khai quật tại khu vực Ba Đình - Hà Nội từ năm 2002, ông Sơn bắt đầu dành nhiều thời gian để nghiên cứu và cắt nghĩa các mật mã, hoa văn, Hán tự ghi lại trên các cổ vật quý hiếm của kinh đô xưa. Đối với ông, cổ vật không chỉ có giá trị về chất liệu, mỹ thuật, thời gian tồn tại, mà quan trọng nhất là yếu tố lịch sử của nó. Bởi vì, trong bất cứ một cổ vật nào cũng phản ánh nền văn hóa của các triều đại và chúng chuyển tải những nội dung tư tưởng rất đáng để người ta phải cất công tìm hiểu và giải mã.

Với niềm đam mê cổ vật không mệt mỏi, năm 2004, tại một hội thảo được tổ chức bởi Viện Goethe ở Paris (Pháp), trước nhiều trí thức của Pháp và học giả người Việt như GS Trần Văn Khê, Cao Huy Thuần, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã lần đầu tiên trình bày các phân tích, khảo cứu của mình về cổ vật Thăng Long. Theo ông, cổ vật của kinh đô xưa được phát hiện có liên quan sâu sắc đến văn hóa, triết lý Phật giáo được xác lập từ thời nhà Lý, mà khởi đầu là vua Lý Thái Tổ. Đó là bởi vì vào thời nhà Lý, các đời vua kế tiếp nhau đã cho xây nhiều chùa khi định đô tại Thăng Long. Ông cho rằng, có tới khoảng 300 ngôi chùa đã được xây khắp cả nước trong thời kỳ này. Thậm chí, chùa được xây cả trong Hoàng cung nên khi khai quật trong phạm vi di tích Hoàng thành Thăng Long tại khu vực Ba Đình - Hà Nội, các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều cổ vật dùng trang trí cung điện là các di vật kiến trúc cổ tự mang triết lý Phật giáo thường thấy ở các chùa chiền thời Lý - Trần. Đó là những đầu rồng đất nung; phù điêu hình chim phụng; lá đề trên ngói úp nóc; đồ gốm gia dụng được sản xuất ngay tại Thăng Long xưa. Tất cả đều có xuất xứ từ điển tích Phật giáo góp phần tạo nên giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long.

Tuy nhiên, vui mừng bao nhiêu khi tận mắt chứng kiến kho tàng di sản cổ vật đồ sộ của kinh đô xưa thì ông Sơn cũng không khỏi ngậm ngùi về những băn khoăn chưa được giải đáp: Làm sao khôi phục được An Nam tứ đại khí (tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, tượng Quỳnh Lâm, vạc Phổ Minh), từng là niềm hãnh diện của dân tộc, biểu tượng của văn hóa mỹ thuật Đại Việt từng bị giặc phương Bắc, phương Tây xâm lăng phá hoại? Làm sao khôi phục lại được các thành tựu về kiến trúc, mỹ thuật của các triều Lý - Trần - Lê ngày càng bị mai một? Hay làm sao để giải mã được hết ý nghĩa chính xác các biểu tượng, hoa văn, văn tự... của các cổ vật đã được khai quật để các thế hệ sau có thể hiểu đúng, hiểu đủ về lịch sử?…

"Tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào thế hệ trẻ, những người có thể tiếp nối công cuộc mà cha ông họ đã và đang thực hiện, nhất là những nỗ lực ghi chép, tìm kiếm các cổ vật, cổ tự, vốn là những giá trị lịch sử khách quan và chân thực nhất" - ông Sơn tâm sự.

Minh Luân