An toàn vệ sinh thực phẩm: Đụng đâu, sai phạm đấy!

Xã hội - Ngày đăng : 06:36, 28/04/2013

(HNM) - Sáng 27-4, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc làm Trưởng đoàn đã kiểm tra đột xuất tại chợ Thành Công (quận Ba Đình).

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra tại chợ Thành Công sáng 27-4. Ảnh: Tuấn Vũ


Tẩu tán gia cầm không nguồn gốc

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn khi tới khu chợ Thành Công chính là dãy kiốt bày bán gia cầm đã qua giết mổ. Dù có treo tấm biển "Cửa hàng gà sạch" nhưng kiốt số 5 Mai Bân vẫn ngang nhiên bày bán gia cầm chưa qua kiểm dịch. Thậm chí, khi kiểm tra tủ đông lạnh, đoàn thanh tra còn phát hiện tại đây lưu giữ hơn 70kg lẫn lộn cả thịt gà, vịt, chim bồ câu, thỏ không có nguồn gốc, đã quá hạn sử dụng, chuyển màu thâm đen. Ngay lập tức, đoàn kiểm tra quyết định lập biên bản, tịch thu và tiêu hủy toàn bộ số hàng trên. Thế nhưng, chủ cửa hàng bà Mai Thị Bân cho rằng, vì có dịch cúm nên số lượng gia cầm bán ra bị ế nên phải bảo quản trong tủ lạnh để tiếp tục mang ra bán khi có khách.

Tại khu chợ, đoàn kiểm tra tiếp tục chứng kiến cảnh giết mổ thủy sản (tôm, cá…) ngay trên vỉa hè. Do không có hệ thống thoát nước, thùng rác nên tất cả chất thải sau quá trình giết mổ đều được đổ thẳng ra đường, trong khi cách đó không xa là hàng loạt các kiốt bán thức ăn chín như phở, bún, chè thập cẩm… bày biện ngay cạnh cống rãnh. Dù không gian tràn ngập mùi xú uế, ruồi nhặng bu kín... nhưng không ít thực khách vẫn điềm nhiên thưởng thức món ăn một cách ngon lành.

Khi biết sự có mặt của đoàn kiểm tra, những mẹt hàng nhỏ lẻ bán gia cầm đã nhanh chóng được tẩu tán. Ngay tại một cửa hàng bán quần áo, cơ quan chức năng đã phát hiện một mẹt hàng có 4 con gà, vịt làm sẵn, không có dấu kiểm dịch thú y cất giấu tại đây. Một người dân sống ở khu vực chợ bức xúc cho biết: Từ lâu, khu giết mổ, bày bán gia súc, gia cầm ở đây đã diễn ra rất lộn xộn, gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí, nhiều tiểu thương không cần cấp phép kinh doanh mà chỉ đóng phí hằng tháng cho chính quyền sở tại với mức 150.000 đồng/tháng là nghiễm nhiên được phép hoạt động. Ngay cả nhà văn hóa nơi đây cũng bị biến thành điểm họp chợ.

Các cơ quan chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu trung tâm dịch vụ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tuấn Vũ


Chống dịch… trên giấy!?

Làm việc với đoàn kiểm tra, Chủ tịch UBND phường Thành Công Nguyễn Mạnh Hùng đã đưa ra hàng loạt văn bản, báo cáo về công tác phòng chống dịch cúm cũng như việc thực hiện ATVSTP trên địa bàn và khẳng định, chính quyền địa phương đã nghiêm túc triển khai các quy định, kế hoạch của thành phố đến từng khu dân cư, chi bộ. Thậm chí, trong 4 tháng đầu năm đã xử lý và tiêu hủy 105kg gia cầm không nguồn gốc. Tuy nhiên, do mặt bằng chợ quá nhỏ, số hộ kinh doanh đông, khoảng hơn 500 hộ nên phát sinh chợ tạm ở khu vực xung quanh lộn xộn, khó kiểm soát.

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, tình hình chống dịch tại khu chợ này vẫn diễn ra theo kiểu "đối phó". Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai thẳng thắn cho rằng, nhiều quầy hàng đã đối phó với đoàn kiểm tra bằng cách vội vàng cất giấu gia cầm khi đoàn đến. Qua kiểm tra còn cho thấy các kiốt bày bán số lượng gia cầm không có dấu kiểm dịch lớn hơn nhiều số có dấu kiểm dịch. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra không kỹ sẽ dễ bị chủ hàng "qua mặt". Thêm vào đó, việc sắp xếp các quầy hàng chưa khoa học, không đúng quy định, thực phẩm chín không có tủ kính bảo quản lại bày chung với đồ tươi sống… "Không chỉ nhắc nhở, tuyên truyền mà phải kiên quyết xử phạt, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm, có như vậy người kinh doanh mới nhớ để thực hiện tốt", bà Nguyễn Thị Như Mai bày tỏ quan điểm.

Qua kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng các văn bản chỉ đạo của thành phố được chính quyền sở tại triển khai đầy đủ đến cơ sở, thậm chí đã đến được với dân. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền chủ trương vẫn chưa "thấm" nên người kinh doanh thì ngang nhiên vi phạm, còn người tiêu dùng thì "vô tư" sử dụng thực phẩm không nguồn gốc, không kiểm dịch… Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất tình hình kinh doanh tại các chợ đầu mối. Chính quyền các cấp cũng phải vào cuộc một cách cụ thể, sâu sát, xử lý kịp thời vi phạm. Có như vậy, công tác phòng chống dịch bệnh mới thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.

Thu Trang