Sống trên lưng người khác
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:43, 28/04/2013
Vì sao tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn học nghệ thuật diễn ra đã lâu trong khi chúng ta có luật về bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ? Hầu hết các tác giả đều biết rằng "con không khóc thì mẹ không cho bú", nhưng trình tự và thủ tục quá nhiêu khê khiến nhiều người nản chí buông xuôi. Có những nhà văn nổi tiếng ra phố sách Đinh Lễ biết sách của mình bị in lậu chỉ biết ngậm ngùi nhìn họ kiếm tiền bằng chất xám của mình. Nếu muốn đưa họ ra tòa vì tội kinh doanh sách lậu thì ngay sau khi phát hiện cần phải có đoàn kiểm tra với đủ các thành phần: Nhà xuất bản, đơn vị liên kết xuất bản, thanh tra văn hóa. Thậm chí ngay cả khi họ thừa nhận bán sách lậu nhưng không cho biết ai in thì cũng "hòa cả làng" và họ chỉ bị xử phạt hành chính. Từng có một vài vụ in lậu bị kiện nhưng mức xử phạt hành chính không đủ sức răn đe nên "ngựa quen đường cũ", nộp phạt xong họ lại tiếp tục in lậu. Tại phiên điều trần trước Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ngày 26-4, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, hiện chưa có khung quy định về trả tiền tác quyền trong lĩnh vực âm nhạc nên thỏa thuận rất khó.
Cũng theo ông Chương, Bộ VH-TT&DL đã xin ý kiến các bộ có liên quan và 3/4 số bộ cho rằng không cần chứng minh trả tác quyền trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn nghệ thuật. Điều đó cho thấy cơ quan quản lý nhà nước mà còn quan niệm lệch lạc như thế thì vi phạm bản quyền còn tồn tại. Bài hát do nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác phải thuộc sở hữu của Trần Tiến, không phải sở hữu của Bộ VH-TT&DL nên Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn cấp phép cho ca sỹ hát bài hát do Trần Tiến sở hữu là không đúng. Thế nhưng người ta vẫn cứ cấp phép cái không phải của mình. Nạn vi phạm bản quyền khiến các tổ chức và cá nhân nắm giữ bản quyền phải gánh chịu thiệt hại về tài chính. Ví dụ như trang mạng thuvien27.net không xin phép bất cứ tác giả nào nhưng họ ngang nhiên thu 14.000 đồng cho một bản sách tải về. Và mới đây, trong một tính toán sơ bộ của VTV đối với chương trình Giọng hát Việt 2012 thì trên một trang mạng cung cấp nội dung số có tới 53 triệu khán giả truy cập vào chương trình này. Nếu tính phí ở mức thấp nhất thì VTV cũng mất khoảng 27 tỷ đồng.
Vi phạm bản quyền không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc cho các tác giả, đơn vị sở hữu bản quyền mà còn triệt tiêu sự sáng tạo của văn nghệ sĩ. Khi họ không sống được bằng nghề thì họ thiết tha gì sáng tác và như thế sẽ lấy gì để phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam? Từ khi có Luật Bản quyền cho đến nay, có rất ít vụ việc ăn cắp bản quyền bị đưa ra xét xử, và nếu không bị pháp luật răn đe thì tình trạng sống trên lưng người khác vẫn còn tiếp diễn.