Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Băn khoăn về tính khả thi

Đời sống - Ngày đăng : 07:42, 27/04/2013

(HNM) - Theo dự thảo nghị định về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì nếu vi phạm, cả người hút, người bán, nhà sản xuất đều bị phạt rất nặng.


Tại các khu vực công cộng như bến xe buýt, bệnh viện (BV), cổng trường học, bến tàu, xe, nhà ga hay bất cứ nơi đâu trên địa bàn thành phố đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh người hút thuốc công khai. Ngay cả tại bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương (quận 5), các lối ra vào đều có bảng cấm nhưng vẫn không ít người thản nhiên hút thuốc. Còn các trạm xe buýt ở Suối Tiên (quận 9), ngã tư Thủ Đức hay trước cổng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, BV Đa khoa Thủ Đức, BV Quân dân miền Đông (quận Thủ Đức)... thì cảnh người hút thuốc lá vẫn diễn ra hết sức thoải mái.

Tình trạng người dân hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra khắp nơi.


Khảo sát nhanh của chúng tôi cho thấy, đa số người dân không biết hoặc chỉ hiểu loáng thoáng về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ có hiệu lực từ ngày 1-5. Anh Nguyễn Văn Út (lái xe ôm trước cổng BV Đa khoa Thủ Đức) cho biết: "Cũng nghe nói tới quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng nhưng tôi không quan tâm nhiều và thực tế cũng có thấy xử phạt bao giờ đâu". Khi chúng tôi nói, Luật mới có hiệu lực từ ngày 1-5, có phạt mức lên tới 10 triệu đồng, lập tức anh Út phản ứng gay gắt: "Tôi hút thuốc lá gần 20 năm nay, nghiện rồi, nói bỏ đâu phải một sớm một chiều. Việc xử phạt như thế ai đóng nổi, trong khi đa số đều là người lao động nghèo!".

Không chỉ người hút, nhiều chủ cửa hàng bán thuốc lá cũng cho rằng, nếu để xử phạt theo quy định mới thì hầu hết họ đều vi phạm. Chị N.T.T.N, chủ cửa hàng bán thuốc lá (đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp) đặt câu hỏi, làm cách nào để phân biệt được người chưa đủ 18 tuổi? Chẳng lẽ khách hàng vào mua là hỏi tuổi và xét chứng minh nhân dân?

Một thực tế, ngoài việc thiếu ý thức của người hút thuốc nơi công cộng, cũng cần phải nói đến vai trò của các cơ quan nhà nước khi khiến người dân "nhờn luật". Bởi từ năm 2005, Việt Nam đã có Nghị định 45 xử phạt từ 50.000-100.000 đồng với hành vi hút thuốc lá, thuốc lào nơi công cộng như rạp hát, BV, thư viện, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay... Nhưng thời gian qua, cả nước chỉ phạt được 10 người vi phạm và giờ này, lượng người dân hút thuốc không hề giảm.

Làm sao khả thi?

TS Nguyễn Thi Hùng, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương cho biết, hút thuốc lá gây tác hại rất lớn cho sức khỏe. Hằng năm tại khoa hô hấp của BV, số người bị bệnh phổi chiếm trên 80% số lượng bệnh nhân nhập viện. "Việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên bộ, ngành nên cân nhắc, bởi mức phạt theo dự thảo nghị định là quá cao so với mức sống người dân. Nên chăng, cần phải đánh thuế cao đối với khâu nhập khẩu và các nhà sản xuất thuốc lá. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp tuyên truyền sâu rộng tới ý thức người dân, hơn là đưa ra các chế tài", TS Nguyễn Thi Hùng đề xuất.

Trong khi đó, theo trả lời báo chí của một cán bộ Bộ Y tế tại hội nghị triển khai Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá thì thanh tra y tế, quản lý thị trường (QLTT), chính quyền các cấp sẽ giám sát, xử phạt người vi phạm. Theo một cán bộ QLTT TP, ngay từ khi có Nghị định 45 quy định xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng thì QLTT cũng là một trong những đơn vị được giao cùng một số cơ quan như y tế chính quyền các cấp thực hiện. Lực lượng QLTT TP mỏng, lo việc thanh kiểm tra xử phạt hàng gian giả còn không hết việc thì làm sao có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm xử phạt hành vi hút thuốc. Nay, để thực hiện được Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tránh "vết xe đổ" trước đây, lại cần phải tăng cường thêm nhân sự tức phải tăng ngân sách chi lương.

Mặt khác, theo ông Phan Hoàng Kiếm, Phó Chi cục trưởng QLTT TP thì nhiều cơ quan (y tế, QLTT, chính quyền địa phương) cùng xử phạt thì dễ dẫn tới "dẫm chân nhau" trong cùng một hành vi, đối tượng. Thế nên bộ, ngành chức năng cũng phải phân rõ quyền hạn cũng như phạm vi khu vực quản lý xử phạt của từng đơn vị.

Dự thảo nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có liên quan đến thuốc lá quy định: Đối với những hành vi vi phạm liên quan tới thuốc lá có thể bị phạt 50 triệu đồng. Vi phạm các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá bị phạt từ 200.000 đến 10 triệu đồng. Vi phạm các quy định về bán thuốc lá phạt tiền từ 100.000 đồng đến 10 triệu đồng. Các hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá hoặc không treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Vi phạm các quy định khác về phòng, chống tác hại của thuốc lá phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Hà Tuấn