Thiết bị giám sát hành trình: Có cũng như không
Kinh tế - Ngày đăng : 07:23, 27/04/2013
Đợt tổng kiểm tra nhằm hiệu chỉnh, thống nhất lại hệ thống quản lý thiết bị hộp đen từ cấp bộ cho đến các đơn vị sử dụng, giúp DN vận tải thấy được lợi ích của việc lắp đặt hộp đen để kinh doanh có hiệu quả. Theo báo cáo, đã có gần 10% phương tiện vận tải hành khách hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, thực tế kiểm tra cho thấy có sự đối phó từ nhiều DN. Không ít đơn vị cung cấp hộp đen có hành vi lợi dụng chủ trương của Nhà nước để trục lợi. Từ đó, khiến nguy cơ tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn.
Nhiều sai phạm trong việc sử dụng thiết bị giám sát hành trình đã bị phát hiện. |
Giữa tháng 4-2013, Đoàn thanh tra đã kiểm tra theo hai hình thức chỉ định và đột xuất đối với hộp đen của nhà cung cấp Bình Anh, Eposi, Tân Á Châu và một số nhà cung cấp khác đang được nhiều DN vận tải sử dụng sản phẩm. Theo ông Thạch Như Sỹ, Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT, Bộ đã cấp giấy phép cho 62 sản phẩm hộp đen được lưu hành. Qua kiểm tra, 7 nhà cung cấp và 10 DN vận tải có phương tiện lắp đặt cho thấy nhiều thiết bị chưa hợp chuẩn, mắc các lỗi về cổng kết nối hoặc lỗi trạng thái hoạt động; thiếu hiển thị 6 dữ liệu in ấn để phục vụ công tác kiểm tra. Một số thiết bị không trích xuất được thông tin hoặc thiếu dữ liệu lưu trữ trong vòng một tháng theo quy định. Ở hầu hết các xe, thiết bị được lắp đặt sâu bên trong nắp táp lô hoặc trong thân xe khiến cho việc khai thác tính năng và kiểm tra, bảo dưỡng gặp nhiều khó khăn. Lái xe cũng không thể nghe được âm thanh cảnh báo khi chạy quá tốc độ hoặc đi sai làn đường.
Mặt khác, đã có những đơn vị được phát hiện có hành vi gian dối như nhà cung cấp hộp đen Skysoft. Đơn vị này đăng ký với Bộ GTVT là thiết bị được sản xuất, lắp ráp trong nước, nhưng thực tế kiểm tra lại không có xưởng sản xuất. Tại bến xe Mỹ Đình, Đoàn kiểm tra phát hiện 3 thiết bị của nhà cung cấp Skysoft không có dấu hợp quy, không trích xuất được dữ liệu đầy đủ, thậm chí rút nguồn điện, nhưng đèn vẫn báo đang hoạt động.
Qua kiểm tra sơ bộ, Thanh tra Bộ GTVT đã phát hiện một số vi phạm tại Trung tâm Đo lường thuộc Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Quốc phòng. Tại thời điểm kiểm tra, trung tâm này không có giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo quy định; không cung cấp được hồ sơ nhân sự của các thử nghiệm viên thực hiện thử nghiệm nội dung về cơ lý… Thanh tra Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị lãnh đạo Bộ thu hồi giấy phép và không công nhận kết quả thử nghiệm của đơn vị này.
Sau đợt kiểm tra tại Hà Nội, Thanh tra Bộ GTVT sẽ kiểm tra tại nhiều địa phương khác. Kết thúc đợt tổng kiểm tra sẽ công khai nhà cung cấp hộp đen uy tín để DN vận tải biết. Các thiết bị qua kiểm tra chưa trích xuất đầy đủ thông tin sẽ phải bổ sung. Những nhà cung cấp và đơn vị thử nghiệm yếu kém, nhiều vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đình chỉ, thậm chí đề nghị rút giấy phép.
Đại diện Bộ GTVT cho rằng, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là một bước ngoặt trong công tác quản lý vận tải, qua đó nhằm hạn chế các vụ tai nạn giao thông. Thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường thanh, kiểm tra đơn vị cung cấp thiết bị, DN vận tải, các cơ quan chức năng sẽ thanh tra cả cơ quan quản lý nhà nước, như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT địa phương xem đã làm hết trách nhiệm hay chưa. Chỉ có như vậy, chủ trương lắp thiết bị giám sát hành trình mới thực sự phát huy hiệu quả.