Các cuộc thi tài sân khấu: Khó để kỳ vọng

Văn hóa - Ngày đăng : 06:54, 27/04/2013

(HNM) - Cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh chỉ thu hút được 20 gương mặt với 20 tác phẩm ở tất cả các loại hình. Không lẽ, sau 6 năm mới trở lại mà sân khấu chỉ có ngần đấy gương mặt đạo diễn mới hay vì lý do gì mà cuộc thi lại kém hấp dẫn?


Khác với các liên hoan, hội diễn sân khấu toàn quốc đã được tổ chức định kỳ, những cuộc thi tài năng ở lĩnh vực diễn xuất, đạo diễn chưa liên tục, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi liệu chúng ta có tùy hứng trong việc tổ chức những cuộc thi khá tốn kém này? Rõ ràng, đã và đang tồn tại nhiều vấn đề trong các cuộc thi tài của sân khấu hiện nay. Như phát biểu của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) Nguyễn Đăng Chương, nếu đặt tên gọi là cuộc thi sẽ thấy rõ tính cạnh tranh, đua tài, chứ không như cách gọi liên hoan mang nhiều ý nghĩa gặp mặt giao lưu, vui là chính. Cũng từ đó, đòi hỏi Ban giám khảo phải nhận thức tính công bằng trong một cuộc thi vì chính yếu tố thi cử rất rõ. Tuy nhiên, việc thay đổi cái tên chưa nói nên bản chất của vấn đề bởi sau nhiều kỳ cuộc, người ta vẫn thấy điều tiếng về các tấm huy chương của những giám khảo "vừa đá bóng, vừa thổi còi" - tức họ vẫn có tác phẩm dự thi.

Cảnh trong vở kịch “Nghĩa vụ thiêng liêng”.


Nhiều người đặt câu hỏi về tính "toàn quốc" của một cuộc thi, bởi có hiện tượng thi ở Hà Nội, sẽ thiếu sự góp mặt của các đơn vị nghệ thuật phía Nam. Ngược lại, nếu tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, các đơn vị nghệ thuật phía Bắc đành lỗi hẹn vì muôn vàn lý do. Nếu là đơn vị xã hội hóa, các nghệ sĩ nói rằng, những tấm huy chương chỉ có ý nghĩa để "tính điểm" trong xét danh hiệu NSƯT, NSND. Còn các đơn vị công lập, vốn luôn hào hứng tham dự các kỳ cuộc như thế này thì quy chế không hỗ trợ cho các tác phẩm dự thi cũng đã khiến họ phải đắn đo hơn. Trước hết là kinh phí dự trù hằng năm không có "khoản" đi thi. Hơn nữa, đoàn vẫn phải duy trì biểu diễn thường xuyên, sẽ rất khó để huy động nhân lực cho việc tập luyện, biểu diễn một vở mới nhằm đi thi. Thế nên cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu lần này, phía Bắc chỉ có 4 tác phẩm dự thi của 4 đơn vị.

Vấn đề nhiều người trong nghề và cả công chúng đặt ra là liệu có trông chờ vào việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng đạo diễn qua cuộc thi này? Nhìn vào thực lực của các đạo diễn tham gia đợt này, thật khó kỳ vọng nhiều. Bởi đó là những tên tuổi chưa ấn tượng với người yêu sân khấu. Ở phía Bắc, người ta mới chỉ biết đến nữ đạo diễn Trần Thị Nhàn của Nhà hát kịch Quân đội như một cán bộ mẫn cán làm việc ở phòng nghệ thuật. Thúy Nga của Đoàn kịch Công an Nhân dân thì mang tác phẩm tốt nghiệp đi thi. Quang Thập là một diễn viên chèo giỏi. Chỉ có Như Lai của Nhà hát Tuổi trẻ từng được biết tới như một đạo diễn kịch hình thể ấn tượng. Với sân khấu phía Nam, các đạo diễn ở các đơn vị hoạt động mạnh như Nụ cười mới, Kịch Sài Gòn, Kịch Hoàng Thái Thanh, IDECAF... không tham dự, trong khi đạo diễn trẻ ở những sân khấu này không thiếu người có triển vọng.

Không thể phủ nhận tác động kích thích sáng tạo của những cuộc tìm kiếm tài năng như thế này, nhưng cách tổ chức, kinh phí hỗ trợ và các yếu tố về xét tuyển, giám khảo… cũng phải được chú ý mới thu hút, phát hiện và phát huy được tài năng.

Ngọc Bảo