Tại sao phải chờ?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:19, 27/04/2013
Trong vòng chưa đầy một tháng, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra thị trường hơn 13 tấn vàng. Thế nhưng trái ngược với những kỳ vọng thị trường sẽ bình ổn, dù một khối lượng vàng "khủng" được tung ra, nhưng giá kim loại quý này lại càng ngày càng khó kiểm soát. Cuối tháng 3-2013, giá mỗi lượng vàng trong nước cao hơn thế giới 2,8 triệu đồng. Nhưng sau khi hơn 13 tấn vàng được “bơm” ra thị trường, khoảng chênh lệch bị đẩy lên tới 6,3 triệu đồng, tăng tới gần 2,5 lần.
Sự kỳ quặc, bất thường đến khó tin của thị trường vàng đang khiến cho dư luận đặt nhiều nghi ngờ về những sai lầm trong quản lý. Tuy nhiên, giải thích về những nghi hoặc này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đã quản lý thị trường theo đúng quy định. Đồng thời, nhiều cán bộ quản lý cũng đăng đàn "khuyên" người dân bình tĩnh và chờ đợi đến sau ngày 30-6 khi mà "các ngân hàng thương mại hoàn tất đóng trạng thái vàng theo quy định".
Nhưng tại sao người dân lại phải chờ? Mới chỉ trong chưa đầy một tháng mà giá vàng đã biến động đến chóng mặt. Trước một sự việc bất thường thì không thể có thái độ bình thường được. Quyền lợi của hàng triệu người dân cùng với nền kinh tế đất nước không thể đơn giản "hy sinh" để bảo vệ lợi ích của một nhóm ngân hàng.
Mặt khác, có nhà quản lý nào trả lời được sau hơn 30 ngày nữa, điều gì sẽ đến với thị trường vàng? Một khi người quản lý không thể khẳng định sau ngày 30-6 giá vàng sẽ bình ổn thì cũng không thể tiếp tục mạo hiểm, và càng không thể bắt người dân phải chờ đợi được.
Có thể các quyết sách trên thị trường vàng vẫn đang thực hiện đúng các quy định nhà nước, nhưng khi thực hiện đúng mà kết quả không tốt thì cần xem lại quy định, xem lại chính sách.
Tổ chức lại thị trường vàng là cần thiết. Nhưng sau mười hai phiên đấu thầu vàng thì thị trường đang ngổn ngang hơn. Mục tiêu ban đầu là bình ổn thị trường (hay bình ổn giá) rõ ràng đã bất thành. Không hiểu trước khi thực hiện các quyết sách với thị trường vàng, Ngân hàng Nhà Nước có dự tính được việc thị trường sẽ như hiện nay hay không(?).
Nhưng cho dù thế nào cũng không thể hy sinh lợi ích của đa số người dân chỉ vì lợi ích, thậm chí là vì những sai lầm trong quản lý của thiểu số các ngân hàng.