Băn khoăn về tài sản chung, riêng
Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 27/04/2013
Theo quan điểm của không ít chuyên gia pháp luật, các tòa địa phương rất dễ gặp sai sót khi giải quyết án hôn nhân - gia đình ở khâu xác định tài sản chung, riêng của vợ chồng. Với quy định hiện hành, (khoản 3, Điều 27), trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang tranh chấp là tài sản riêng của mỗi người thì tài sản đó là tài sản chung. Từ đây, đã trao cho thẩm phán quyền được suy luận loại trừ dựa trên cơ sở chứng cứ mà vợ hoặc chồng có hoặc không có trước tòa. Mà đã là suy luận thì không thể khẳng định chắc chắn chính xác tuyệt đối. Vậy nhưng, luật lại không yêu cầu tòa án phải có trách nhiệm xác minh trong trường hợp lời khai của các đương sự khác nhau về nguồn tiền để tạo lập tài sản. Do đó, án tuyên thế nào, phụ thuộc phần lớn vào ý chí từng thẩm phán.
Trong khi đó, lượng án hôn nhân gia đình (phần xác định tài sản chung, riêng) được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu hủy bản án sơ, phúc thẩm thời gian qua khá nhiều. Có vụ án, thẩm phán đã xác định đúng khối tài sản chung của vợ chồng nhưng khi phân chia thì lại không khách quan. Có cả sai sót trong việc chia hiện vật hoặc chưa đúng trong việc đánh giá công sức đóng góp của mỗi bên. Có những trường hợp phần đất là do cha mẹ bên vợ hoặc bên chồng cho riêng, sau đó xây nhà hợp thức hóa đứng tên hai vợ chồng hoặc đất được cơ quan cấp riêng cho chồng hoặc vợ, sau đó kết hôn xây nhà hợp thức hóa đứng tên chung được cấp sơ thẩm xác định đất là tài sản riêng, nhà là tài sản chung, cấp phúc thẩm lại khẳng định cả đất và nhà đều là tài sản chung. Ngoài ra, còn có những cặp vợ chồng bán căn nhà trước đó lấy tiền cùng nhau tạo lập nhà mới. Việc xác định căn nhà mới là tài sản chung, riêng hay công sức đóng góp thế nào cũng khiến các thẩm phán lúng túng, đưa ra quan điểm bất nhất. Người thì cho rằng tài sản chung, người thì lại cho là tài sản chung có một phần riêng và buộc đương sự phải chứng minh phần đóng góp… Hiện tượng bất nhất trên không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, mà còn gây nhiều khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự. Do không ít cá nhân phải thi hành bản án của tòa án nhất quyết không chịu hợp tác, khiến lượng án tồn đọng trong lĩnh vực hôn nhân gia đình càng nhiều hơn, chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.
Mong rằng, những vấn đề đặt ra liên quan đến việc phân chia tài sản sau ly hôn sẽ được Ban soạn thảo quan tâm giải quyết.