Mô hình Quỹ Khuyến nông: Hiệu quả nhưng khó nhân rộng
Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 26/04/2013
Tại hội nghị KN toàn quốc vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, công tác KN cần nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là nhân rộng mô hình Quỹ KN của Hà Nội, để nông dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thiết thực nhất. Tuy nhiên, việc triển khai Quỹ KN còn gặp nhiều khó khăn bởi nguồn kinh phí hạn hẹp, chưa có cơ chế và quy định hoạt động.
Vốn vay từ Quỹ Khuyến nông đã giúp nông dân xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm) mở rộng sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Ảnh: Trung Kiên |
Nhìn từ thành công của Hà Nội
Theo bà Bùi Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, từ năm 1995, Tây Tựu được quy hoạch thành vùng sản xuất hoa và được đầu tư phát triển thành vùng hoa trọng điểm của Hà Nội. Tuy nhiên, nguồn vốn để các hộ mở rộng sản xuất rất khó khăn. Để vay được vốn ngân hàng, cần nhiều thủ tục, nông dân thường không đủ điều kiện để vay. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận được nguồn vốn Quỹ KN Hà Nội nhiều hộ đã có thể mở rộng sản xuất, đầu tư hiệu quả. Tính tới nay, Quỹ KN đã giải ngân cho các hộ nông dân của xã gần 4 tỷ đồng cho trên 20 hộ vay. Trong quý I năm 2013, Quỹ KN tiếp tục giải ngân gần 1 tỷ đồng giúp các hộ đầu tư trang thiết bị, mua giống hoa mới, chất lượng cao về sản xuất. Hiệu quả mô hình trồng hoa đạt 300 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm.
Cũng như các hộ nông dân xã Tây Tựu, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phúc, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, cũng mở rộng sản xuất từ nguồn vay vốn của Quỹ KN Hà Nội. Năm 2007, Quỹ KN cho gia đình ông vay 300 triệu đồng, ngoài ra được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội mời đi thăm học tập mô hình chăn nuôi lợn không chất thải tại Côn Minh, Trung Quốc. Sau khi về, gia đình ông đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi khép kín với trên 120 con lợn nái, 800 lợn thịt. Năm 2012, gia đình ông tiếp tục được vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn của Quỹ KN để sản xuất. "Từ nguồn vốn hỗ trợ cho vay của Quỹ KN Hà Nội, mỗi năm trang trại lợn của tôi cung cấp ra thị trường từ 100-120 tấn thịt lợn hơi; 800-1.000 con lợn giống chất lượng, tổng thu hằng năm khoảng 5-6 tỷ đồng, trừ hết chi phí, gia đình có lãi đến tiền tỷ" - ông Phúc phấn khởi chia sẻ.
Trải qua 10 năm hoạt động, từ nguồn vốn ban đầu được ngân sách thành phố cấp là 5 tỷ đồng năm 2002, đến nay Quỹ KN Hà Nội có gần 100 tỷ đồng, đã giải ngân cho 2.059 lượt hộ vay, tạo việc làm thường xuyên cho 6.000-6.500 lao động nông thôn với mức thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng; góp phần tạo ra 700-750 tỷ đồng giá trị sản phẩm hàng hóa...
Cần nhân rộng tại các địa phương
Ông Hồ Vang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế - cho rằng: "Việc triển khai hoạt động của Quỹ KN Hà Nội là một sáng kiến hay, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, đồng thời cũng là kinh nghiệm quý cho các địa phương. Từ thành công của Quỹ KN Hà Nội, Chính phủ cần sớm có chính sách nhân rộng và triển khai trên cả nước. Thực tế, người sản xuất đang thiếu kinh phí đầu tư; nguồn vốn đầu tư các mô hình khuyến nông theo quy định tại Nghị định 02/2010/NĐ-CP còn hạn chế. Đặc biệt, nông nghiệp là ngành luôn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, giá cả bấp bênh... nên khó thu hút đầu tư. Chính phủ và các bộ, ngành nên có chính sách hỗ trợ các tỉnh thành lập Quỹ KN theo mô hình Hà Nội và bố trí nguồn vốn phù hợp".
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho rằng, để Quỹ KN phát huy tác dụng và hiệu quả lớn, cần sớm xóa bỏ cách làm dàn trải - mỗi hộ được vay một ít vốn để xóa đói giảm nghèo - mà nguồn vốn từ Quỹ KN cần cho vay tập trung theo vùng sản xuất hàng hóa, áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giúp cho việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được thuận lợi.
Giám đốc Trung tâm KN Hà Nội Nguyễn Văn Chí khẳng định, hoạt động khuyến nông gắn liền với công tác xây dựng các mô hình trình diễn, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, quản lý trong sản xuất nông, lâm thủy sản, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Để Quỹ KN hoạt động có hiệu quả, rất cần những chính sách cho vay tín dụng ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất trong khoảng thời gian nhất định, để nông dân có đủ vốn mua những thiết bị, vật tư, phương tiện đồng bộ, phục vụ sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản theo quy trình công nghệ hiện đại. Đặc biệt, nên xem xét điều chỉnh điều kiện thế chấp bằng hiệu quả mô hình từ nguồn vốn vay. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Phan Huy Thông cho rằng, từ thành công của mô hình Quỹ KN Hà Nội, Bộ NN&PTNT đã giao Trung tâm KN quốc gia xây dựng phương án, cơ chế, chính sách giúp các tỉnh, thành phố thành lập Quỹ KN. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, Quỹ KN cần chủ động huy động vốn từ các nguồn, mặc dù đây là điều hết sức khó khăn trong điều kiện kinh tế hiện nay. Đặc biệt, hoạt động của Quỹ KN về phương thức quản lý, hoạt động cũng giống như một ngân hàng nên cần cơ chế hoạt động và các phương án vay, trả theo quy định tài chính thì Quỹ KN mới phát huy được hiệu quả bền vững.