Số người chết vụ sập nhà ở Bangladesh lên gần 130

Thế giới - Ngày đăng : 09:59, 25/04/2013

Chính quyền Bangladesh cho biết số nạn nhân thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà 8 tầng ở ngoại ô thủ đô Dhaka đã lên đến 127. Ngoài ra, hơn 1.000 người bị thương.


Theo hãng tin AFP, suốt đêm qua các nhân viên cứu hộ Bangladesh đã đào bới đống đổ nát của tòa nhà Rana Plaza để tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên, dù có sự hỗ trợ của cần cẩu và thiết bị cắt bê tông chuyên dụng, các nhóm cứu hộ vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi phải lặn ngụp trong một quả núi bê tông, sắt thép khổng lồ.

Các nhân viên cứu hộ cố gắng tìm cách chui vào tòa nhà đổ nát để tìm người mất tích - Ảnh: Reuters


“Cả tòa nhà sụp đổ như lâu đài cát chỉ trong chớp mắt. Phần lớn các công nhân không có cơ hội chạy thoát. Đến giờ chúng tôi vẫn còn nghe thấy những tiếng kêu cứu vẳng lên từ đống đổ nát - AFP dẫn lời lãnh đạo Cơ quan Cứu hỏa quốc gia Bangladesh Ahmed Ali cho biết - Nhưng các nhân viên cứu hộ không thể tới được chỗ các nạn nhân bị mắc kẹt”.

Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người bị chôn vùi. Tuy nhiên nhà chức trách khẳng định số người thiệt mạng sẽ gia tăng. Hiện chính quyền cũng chưa xác định được nguyên nhân nhà sập. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu may mặc Bangladesh (BGMEA), có năm công ty may mặc đã tuyển dụng 2.500 công nhân làm việc tại tòa nhà này.

Tập đoàn thời trang giá rẻ Anh Primark mới đây xác định một nhà cung cấp của hãng đã đặt xưởng may tại tòa nhà Rana Plaza. Theo CNN, một số công nhân thoát chết cho biết hôm 23-4, sàn tầng 7 của tòa nhà xuất hiện một số vết rạn nứt. Ban đầu, giám đốc các xưởng may yêu cầu nhân viên tạm nghỉ làm trong hôm 24-4.

Tuy nhiên, chủ các xưởng may đã hủy yêu cầu trên và buộc các công nhân trở lại làm việc. Họ khẳng định tòa nhà vẫn an toàn. Rất nhiều công nhân dù e ngại nhưng vẫn buộc phải đến làm việc hôm 24-4 do lo sợ bị mất việc làm.

Ông Atiqul Islam, chủ tịch BGMEA, cho biết chủ các xưởng may quyết định buộc các công nhân trở lại làm việc do người chủ tòa nhà khẳng định sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Ông Mustafizur Rahman, lãnh đạo đơn vị cảnh sát chuyên điều tra các vấn đề công nghiệp, cho biết hiện chủ các xưởng may đã lẩn trốn.

“Sau khi điều tra các vết nứt hôm 23-4, chúng tôi yêu cầu họ đóng cửa các xưởng may. Nhưng họ phớt lờ yêu cầu của chúng tôi” - ông Rahman bức xúc. Trong khi đó, các nhân viên chi nhánh ngân hàng BRAC đã sơ tán hôm 23-4 và được yêu cầu ở nhà hôm 24-4. Không ai trong số họ bị chết hay bị thương.

Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Muhiuddin Khan Alamgir khẳng định nhà chức trách sẽ trừng phạt nghiêm khắc những kẻ xây dựng tòa nhà này. Hiện gã chủ tòa nhà cũng đã lẩn trốn. Một tòa nhà ba tầng bên cạnh cũng đã bị sụp đổ theo. Công việc cứu hộ đang diễn ra chậm chạp do các nhân viên cứu hộ muốn tránh nguy cơ phần còn lại của tòa nhà tiếp tục sụp đổ.

Hồi tháng 11-2012, một vụ hỏa hoạn ở nhà máy sản xuất đồ may mặc cho chuỗi siêu thị Walmart ở Dhaka đã khiến 111 người thiệt mạng. Đó là tai nạn công nghiệp nghiêm trọng nhất tại Bangladesh cho đến nay. Năm 2005, cũng một vụ sập xưởng may ở ngoại ô Dhaka làm 70 người chết.

Các chuyên gia khẳng định tai nạn kiểu này thường xuyên xảy ra ở Bangladesh do các công ty trong và ngoài nước luôn gây áp lực lên các nhà máy để hạ giá thành sản xuất. Do đó các nhà máy không bao giờ tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn.

Theo Tuổi trẻ