Phát hiện gạch cổ nghìn năm tại thành nhà Hồ
Công nghệ - Ngày đăng : 09:55, 25/04/2013
Ngày 24/4, Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết, trong đợt khai quật khảo cổ học mới đây tại khuôn viên thành nhà Hồ (xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), các nhà khoa học đã phát hiện nhiều viên gạch cổ cả nghìn năm tuổi. Bề mặt gạch được khắc chữ Hán nổi ghi chú địa danh như: Giang Tây Quân, Giang Tây Chuyên...
Gạch “Giang Tây Quân”, "Giang Tây Chuyên" phát hiện tại thành nhà Hồ có hình chữ nhật, kích thước trung bình 37x17x5,5 cm, nhỏ hơn loại gạch bìa được sử dụng chủ yếu để xây dựng thành nhà Hồ. Chữ được khắc vào khuôn gỗ rồi in vào gạch khi đất còn ướt, nét to đậm, in nổi, viết theo lối chữ chân. Gạch thường có màu xám ghi, được làm từ loại đất sét mịn, tôi luyện kỹ, nung ở nhiệt độ cao nên rất đanh chắc, giữ được màu sắc và không bị thôi bột.
Viên gạch cổ "Giang Tây quân" phát hiện ở Thành nhà Hồ được cho là có niên đại trên nghìn năm tuổi |
Các nhà nghiên cứu nhận định, đây là loại gạch có niên đại từ thời nhà Đường, Trung Quốc (618-907). Điều này được lý giải, thời đó hàng năm cứ vào mùa thu và đông, nhà Đường thường phái nhiều đội quân phòng thủ vùng Lĩnh Nam gọi là “quân phòng thu”, “quân phòng đông” sang. Các đoàn quân được tổ chức và mang phiên hiệu từng tỉnh ở Trung Quốc mà chủ yếu là quân vùng Giang Tây.
Tại đây, chính quyền đô hộ đã bắt quân sĩ phải ngày đêm đóng gạch, nung ngói để xây thành đắp luỹ. Khi làm gạch, sản phẩm của địa phương nào thì khắc tên địa phương ấy lên bề mặt. Gạch “Giang Tây Quân”, “Giang Tây Chuyên” chính là do quân lính của tỉnh Giang Tây sản xuất.
Cuối thời Đường, An Nam đô hộ phủ được đổi thành Tĩnh Hải quân. Từ “quân” ở đây có nghĩa là một đơn vị hành chính cũng giống như các “quân” (đơn vị hành chính) ở Trung Quốc. Tại Hoàng thành Thăng Long, qua các đợt khai quật cũng phát hiện rất nhiều viên gạch tương tự nằm ở lớp cuối dấu tích kiến trúc trong Hoàng thành, nó tồn tại song song với gạch Lý - Trần.
Các nhà khoa học cho rằng các triều đại sau này của Việt Nam đã sử dụng lại loại gạch này để xây dựng cung điện, thành quách. Cuốn Đại việt sử ký toàn thư chép, Hồ Quý Ly đã cho tháo dỡ một số cung điện tại kinh đô Thăng Long đưa về xây dựng thành An Tôn.
Trải qua cả nghìn năm lịch sử nhưng gạch xây Thành nhà Hồ vẫn giữ được màu sắc sáng đẹp, đanh chắc không bị thôi bột |
Ngoài hai loại gạch “Giang Tây Quân” và “Giang Tây Chuyên”, khai quật Nam Giao Tây Đô, các nhà khoa học còn phát hiện loại gạch mang tên “Đại Việt quốc”. Đây là lần đầu tiên tìm thấy loại gạch này tại thành nhà Hồ.
Việc nghiên cứu về niên đại của loại gạch này đang có nhiều giả thuyết, phần lớn học giả cho rằng gạch “Đại Việt Quốc” chính là mang quốc hiệu thời Lý. Tuy nhiên, theo các tài liệu nghiên cứu mới đây thì Đại Việt quốc là tên một quốc gia độc lập do Lưu Cung thành lập vào thời Ngũ Đại Thập Quốc (907-979). Quốc hiệu Đại Việt của triều Lý phải mãi tới thời Lý Thánh Tông (1054) mới có. Kết quả khai quật tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) cũng phát hiện được rất nhiều loại gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” (gạch Đại Việt xây thành).
Ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản thành nhà Hồ nhận xét, việc phát hiện các loại gạch “Giang Tây Quân”, “Giang Tây Chuyên”, “Đại Việt Quốc” tại thành nhà Hồ chứng tỏ việc xây dựng thành đã thu hút nguồn tài lực và trí lực to lớn của nhân dân Đại Việt.
“Gạch thành nhà Hồ là tài liệu quan trọng giúp các nhà nghiên cứu có thêm cơ sở trong quá trình tìm hiểu về thời gian, kỹ thuật xây dựng và những đóng góp của nhân dân các vùng trong nước đối với việc xây dựng kinh thành Tây Đô”, ông Toán nhấn mạnh. Hiện toàn bộ số gạch cổ nói trên đã được Trung tâm chỉnh lý, lập hồ sơ khoa học và đưa vào bảo quản phục vụ công tác nghiên cứu trưng bày.