Kinh tế Việt Nam năm 2013: Tái cơ cấu để củng cố niềm tin
Kinh tế - Ngày đăng : 06:53, 25/04/2013
Không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia, bức tranh kinh tế quý I năm 2013 vẫn chưa khởi sắc. Mặc dù tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 4,89%, song tốc độ tăng tổng sản phẩm của các ngành mũi nhọn đều đạt thấp. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 4,93%, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: 2,24%, lĩnh vực dịch vụ: 5,65%. Những thông tin về tồn kho sản phẩm của quý I cũng cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp đang khó khăn. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ giá trị hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tính từ tháng 7-2012 đến cuối quý I-2013) luôn ở mức 69-93%. Trong khi đó, mức an toàn trong điều kiện sản xuất và tiêu thụ bình thường chỉ khoảng 65%. Cùng với việc giá trị hàng tồn kho tăng, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm cũng đạt thấp. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng cả quý I chỉ tăng 4,5%, thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng quý I chỉ tăng 4,5%. Ảnh: Thanh Hải |
Ngoài việc các chỉ số kinh tế giảm, trong quý I thặng dư cán cân thương mại cũng lên tới 500 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước thâm hụt 2,7 tỷ USD và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thặng dư lên tới 3,2 tỷ USD. Mặc dù chưa có những thống kê chính xác về nợ xấu ngân hàng, song theo các chuyên gia, nếu cộng dồn các khoản nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng sẽ ở mức khá lớn. Trong khi đó, khi bong bóng bất động sản vỡ, tồn kho của lĩnh vực này ước tính tới 200 nghìn tỷ đồng. Con số này rất đáng lo ngại, bởi thực tế một phần không nhỏ nợ xấu của ngân hàng đang nằm ở thị trường bất động sản vốn đã đóng băng trong thời gian dài.
Theo các chuyên gia, từ bức tranh kinh tế quý I có thể dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm nay chỉ đạt mức tương đương năm 2012 hoặc thấp hơn. Trong bối cảnh niềm tin kinh tế đang suy giảm, nhà đầu tư thận trọng giữ vốn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, việc khôi phục niềm tin cho thị trường là lời giải cho bài toán khôi phục đà tăng trưởng kinh tế.
Đẩy nhanh tốc độ cải cách kinh tế
Mặc dù nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, song theo TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và giải quyết nợ xấu. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP do Chính phủ đặt ra cả năm nay vẫn có khả năng đạt được. Thêm vào đó, dự báo của Tổ chức tiền tệ quốc tế cũng cho thấy, kinh tế thế giới cả năm nay sẽ đạt mức 3,5%, cao hơn năm 2012, qua đó sẽ có những tác động tích cực tới nền kinh tế nước ta.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, để khôi phục niềm tin đầu tư và kinh doanh, đem lại sức sống mới cho nền kinh tế cần có giải pháp quyết liệt nhằm đẩy nhanh tốc độ cải cách kinh tế. Một trong những việc làm thiết thực để thực hiện điều này là triển khai những phần việc đã được nêu tại đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế đã được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 2 vừa qua. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền cho rằng, việc tập trung triển khai tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, củng cố trụ cột nông nghiệp và kiên trì định hướng thị trường là những hành động quan trọng nhằm thực hiện đề án đồ sộ này. Trên thực tế, lưu thông tiền tệ vốn được coi là hệ tuần hoàn của nền kinh tế. Những thiếu sót trong điều hành chính sách tiền tệ những năm gần đây đã khiến lãi suất tăng quá cao, kìm hãm quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong khi đó, sự chậm trễ, dè dặt trong việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng thương mại đã khiến DN khó tiếp cận được nguồn tín dụng do lãi suất cho vay ở mức cao. Nếu không nhanh chóng lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng và đưa lãi suất cho vay về mức hợp lý thì bài toán cơ cấu lại nền kinh tế coi như chưa có lời giải.
Việc kiên trì định hướng thị trường đã nêu trong đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế cũng là một trong những vấn đề cần được các ngành chức năng lưu tâm. Câu chuyện giá vàng và giá xăng của Việt Nam "một mình một chợ" thời gian gần đây đã cho thấy, nếu không có những việc làm quyết liệt thì định hướng thị trường vẫn chỉ nằm trên giấy! Bởi, trên thực tế, cơ chế quan liêu, hành chính luôn lấn át vì những lợi ích cục bộ, tính không chuyên nghiệp của bộ máy công quyền và sự thiếu trách nhiệm của các công cụ giám sát... những bất cập này sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, gây khó khăn cho đời sống nhân dân và hoạt động của DN. Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cũng cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế chính là phân bổ lại nguồn lực quốc gia cho đúng địa chỉ, sao cho tiền vốn, đất đai, tài sản công phải được sử dụng đúng mục đích, giao cho đúng đối tượng và sử dụng một cách hiệu quả. Nhà nước phải đóng vai trò "bà đỡ", không làm thay DN, hoặc chỉ đạo trực tiếp đến các DN nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng. Giai đoạn hiện tại, nên khoan sức dân và tạo niềm tin cho DN. Đây là một trong những việc làm quan trọng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, tạo đà vững chắc để khôi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế.