Cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa: Phương án khả thi, thiết kế phù hợp
Đời sống - Ngày đăng : 06:38, 25/04/2013
10 năm trở lại đây, Thủ đô Hà Nội đã có những thay đổi không ngừng, không chỉ mở rộng địa giới hành chính, mà quá trình đô thị hóa, sự nở rộ của hàng loạt các khu đô thị, chung cư mới, cùng sự gia tăng dân số, số lượng các phương tiện giao thông cá nhân… đã gây sức ép lớn đến giao thông nội đô. Tình trạng ùn ứ, ách tắc giao thông tại các nút giao thông chính, các trục đường huyết mạch nối trung tâm thành phố tới các cửa ngõ Thủ đô… thường xuyên diễn ra, nhất là vào các giờ cao điểm. Trong bối cảnh phát triển giao thông đô thị như hiện nay thì việc đầu tư xây dựng các cầu vượt tại các nút giao thông quan trọng là cần thiết và là phương pháp hữu hiệu xóa tình trạng ách tắc giao thông nội đô. Điều này đã có những minh chứng cụ thể khi rất nhiều các cầu vượt được đầu tư xây dựng trong thời gian qua: Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, cầu vượt nút giao thông Phạm Hùng - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, Tây Sơn - Thái Hà, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng… đã phát huy hiệu quả tích cực. Tình trạng ách tắc giao thông liên miên, kéo dài mà nguyên nhân chủ yếu là do xung đột giữa các làn xe tại những nút giao thông này đã được giải quyết, giao thông đi lại thuận tiện, người dân không còn phải chịu đựng hàng tiếng đồng hồ phơi mình giữa mưa, nắng, hít khói bụi do bị kẹt xe. Nút giao thông ngã năm Ô Chợ Dừa cũng vậy, từ lâu đã trở thành một trong những điểm nóng ùn tắc giao thông ở Thủ đô. Có việc phải đi qua đây, nhất là vào những giờ cao điểm thì đúng như chịu cực hình vậy. Tôi hoàn toàn ủng hộ phương án làm cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa theo hướng Xã Đàn - Hoàng Cầu.
Ông Nguyễn Hoàng Dương (phường Giảng Võ, Ba Đình): Các chuyên gia đã tính toán kỹ càng
"Đưa 10, cân nhắc 3, lấy 1" - đúng như nội dung một bài báo đã viết, đã phải có sự tính toán, lựa chọn kỹ càng của các chuyên gia trong việc giải bài toán giao thông tại đây khi việc xây dựng cầu vượt có thể làm ảnh hưởng đến Di chỉ đàn Xã Tắc. Tuy nhiên, với phương án tối ưu nhất được đưa ra mới đây mà báo nêu: Làm cầu vượt dầm thép thiết kế theo hướng Vành đai I (Xã Đàn - Hoàng Cầu); mặt cắt cầu được thu hẹp từ 16m xuống 14,5m; đảo giao thông rộng 18m... Đặc biệt, dự án không xâm phạm đến khu di tích: hai mố cầu vượt nằm ngoài phạm vi bảo vệ di chỉ khảo cổ đàn Xã Tắc... tôi thấy hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào sự lựa chọn này. Hiện nay, nút giao thông ngã năm Ô Chợ Dừa đang bị lệch trục giao thông lớn, khiến các phương tiện giao thông khi qua đây phải di chuyển khá vòng vèo, với nhiều đoạn như nút thắt cổ chai... gây khó khăn cho việc di chuyển và thường xuyên diễn ra cảnh ùn tắc, nhất là đoạn từ Đê La Thành, Nguyễn Thái Học đi Xã Đàn. Việc xây dựng cầu vượt tại đây theo hướng Xã Đàn - Hoàng Cầu sẽ khớp nối tuyến đường Vành đai 1 phát huy hết hiệu quả, bảo đảm cho giao thông thông suốt, chống ùn tắc tại nút giao thông này.
Bà Phương Liên Hương (KĐT Trung Hòa - Nhân Chính): Việc nào cũng quan trọng, sao cho vẹn cả đôi đường
Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu lịch sử và quy hoạch đô thị đưa ra cho thấy trong lĩnh vực bảo tồn lịch sử hay phát triển đô thị đều quan trọng như nhau. Vì vậy việc bảo tồn đàn Xã Tắc hay xây dựng cầu vượt để giải quyết nạn ùn tắc giao thông đang ngày càng gia tăng đều cần thiết. Trong trường hợp không thể lựa chọn việc nào để ưu tiên hơn, chúng ta nên tìm cách hài hòa giữa hai yêu cầu nhiệm vụ: Vừa bảo tồn được đàn Xã Tắc, vừa giúp mở rộng giao thông đô thị. Chắc hẳn các cơ quan chức năng đã dày công nghiên cứu phương án khả thi để có một thiết kế phù hợp cho cảnh quan đô thị gắn liền với di tích có giá trị quốc gia này. Không nên ước lượng những ranh giới chưa rõ ràng để nhận định di tích đàn Xã Tắc rộng mở đến tận khu Trung Tự, sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt và phát triển của cả một khu dân cư rộng lớn hiện đông đúc người dân sinh sống ổn định từ bao lâu nay.
Anh Nguyễn Trọng Hòa (phường Ngọc Khánh, Ba Đình): "Nếu ai đã từng kẹt xe tại... ngã năm Ô Chợ Dừa"
Tình trạng ùn tắc giao thông dọc tuyến phố Đê La Thành và ngã năm Ô Chợ Dừa kéo dài suốt bao nhiêu năm qua với mức độ ngày càng trầm trọng. Nếu ai đã từng kẹt xe mấy tiếng đồng hồ tại nút ngã năm Ô Chợ Dừa mới thấu hiểu nỗi khổ của các chủ phương tiện khi bị "chết đứng" nơi đây. Vì vậy, dù dự án xây dựng đường Vành đai 1 mới chỉ được triển khai theo từng đoạn tuyến cũng là điều mong chờ của đông đảo người dân qua lại nơi đây hằng ngày. Khi đoạn đường nối Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa được hoàn thành đúng kế hoạch, trong năm 2013, sẽ đưa số lượng lớn người và phương tiện giao thông tập trung về ngã năm Ô Chợ Dừa đông hơn và phức tạp hơn. Phương án xây cầu vượt để tách làn phương tiện giao nhau sẽ hạn chế được tình trạng ùn tắc, tai nạn xảy ra. Điều này được ghi nhận từ thực tế khách quan tại các nút giao thông có bố trí cầu vượt như Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương…
Ông Nguyễn Thế Tiện (phường Thanh Xuân Nam, Thanh Xuân): Hết khổ vì tắc đường, quá tải
Có lẽ, với một đô thị đang ngày phát triển nhanh như Hà Nội, dân số gia tăng mạnh, trong khi hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt trong khu vực nội đô vẫn "dậm chân tại chỗ" suốt bao năm qua như hiện nay thì việc "quá tải" trên các tuyến đường, gia tăng tắc nghẽn giao thông là điều khó tránh khỏi. Cứ thử nhìn nhận thực tế trên những con số: các quận nội thành Hà Nội mật độ lên tới 25.000-36.000 người/km2, ở TP Hồ Chí Minh là 26.500 người/km2. Trong khi Hồng Kông, Singapore chỉ khoảng 6.500 người/km2 thì mới nhận thấy sức ép dân số lên hạ tầng giao thông đô thị là vô cùng lớn. Và thời gian qua, những gì Hà Nội, cũng như TP Hồ Chí Minh đang và muốn làm: đổi giờ làm, giờ học, hạn chế xe vào trung tâm, đề xuất xe biển chẵn, biển lẻ vào thành phố, tiến hành xây dựng các cây cầu vượt qua các nút giao thông quan trọng... cũng chỉ là nhằm mục đích giảm sức ép lên hạ tầng giao thông. Tại khu vực tôi ở, trước đây khi chưa mở rộng đường Khuất Duy Tiến, mở rộng nút giao thông Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển thành một đảo giao thông lớn, xây dựng đường cao tốc trên cao... thì có lẽ vấn nạn tắc đường, kẹt xe ở đây không biết bao giờ mới chấm dứt. Giao thông đi lại thuận tiện thì không chỉ người đi đường mà người dân chúng tôi gần khu vực cũng được hưởng lợi rất nhiều. Chúng tôi hết khổ vì nạn tắc đường, không còn điếc tai vì tiếng inh ỏi của còi xe, hít khói bụi ô nhiễm...