Đã đến lúc xử lý hình sự
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 25/04/2013
"Đạt mốc" 10.000 tỷ đồng
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền, nợ đọng BHXH tăng cao, chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (trên 40%), doanh nghiệp FDI là 14%. Có nhiều nguyên nhân, trong đó ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động là chính. Có doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của NLĐ nhưng lại nợ lại cơ quan BHXH khiến không ít NLĐ bị thiệt thòi khi làm thủ tục ốm đau, thai sản hoặc nghỉ hưu khi bị vướng mắc ở khâu hồ sơ. Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, năm 2013, các doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm gia tăng và số nợ đã đạt mốc 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, lũy kế đến hết tháng 2-2013, các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước nợ tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế lên tới gần 10.400 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH chiếm gần 7.800 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế hơn 2.600 tỷ đồng. Đặc biệt, hơn 50% đơn vị bảo hiểm rơi vào tình trạng có tỷ lệ nợ cao hơn mức bình quân cả nước.
Kinh doanh khó khăn khiến ngày nhiều doanh nghiệp nợ BHXH. |
Chính vì số nợ quá lớn, nên Quỹ BHXH đang mất cân đối nghiêm trọng giữa thu và chi. Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2013, tổng mức thu bảo hiểm chỉ đạt 15.988 tỷ đồng, trong khi tổng số chi lên đến hơn 23.866 tỷ đồng. Địa phương có số doanh nghiệp nợ đọng BHXH lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chỉ riêng năm 2012, gần 600 doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã bị kiện ra tòa vì nợ BHXH, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong cả nước bị khởi kiện vì nợ bảo hiểm. Tại Hà Nội, tính đến ngày 31-3-2013, BHXH thành phố thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện được 3805,6 tỷ đồng đạt 22,7% so với kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Tuy nhiên, tổng số nợ so với quý I năm 2012 tăng lên 590,2 tỷ đồng, tăng 68,3% so cùng kỳ năm 2012.
Chế tài nào "gỡ" nợ đọng?
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, ngay từ năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản kiểm tra các doanh nghiệp nợ đọng BHXH lớn, đồng thời yêu cầu các địa phương đôn đốc chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng không giảm mà lại có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Bộ trưởng thừa nhận, nguyên nhân nợ đọng bảo hiểm xuất phát từ chính sách nên thời gian tới cần phải đề xuất sửa đổi.
Từ thực tế này, có nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét nghiên cứu đưa việc xử lý nợ đọng bảo hiểm của doanh nghiệp từ dân sự sang hình sự nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên, theo các luật gia, việc xử lý hình sự những doanh nghiệp nợ đọng BHXH không dễ. Bởi nợ đọng tiền BHXH vốn là quan hệ pháp luật dân sự và nó cũng như các trường hợp nợ đọng khác. Nếu Bộ LĐ-TB&XH đề nghị xử lý hình sự đối với doanh nghiệp này thì các ngân hàng cũng có thể đề nghị xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp, cá nhân nợ tiền vay ngân hàng; các cá nhân cho nợ cũng có quyền đề nghị xử lý hình sự đối với người vay nợ chây ì… Hơn nữa, theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi nợ đọng tiền BHXH chưa được quy định là tội phạm nên cũng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối
với doanh nghiệp hay cá nhân nợ đọng tiền BHXH.
Việc Bộ LĐ-TB&XH gửi công văn tới Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để xử lý hình sự đối với hành vi nợ đọng tiền BHXH hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Điều này phù hợp với việc dự thảo sửa đổi Luật BHXH 2007 đang hoàn tất việc lấy ý kiến để trình Quốc hội thông qua vào tháng 5-2013, với hy vọng sẽ cải thiện việc thực hiện nghĩa vụ nộp bảo hiểm của doanh nghiệp. Nếu không quyết liệt với nợ đọng thì trong tình trạng thất nghiệp tăng cao, doanh nghiệp phá sản, số thu BHXH sụt giảm hiện nay, nguy cơ vỡ quỹ BHXH có thể xảy ra.