Đề xuất không quy định “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội”
Chính trị - Ngày đăng : 06:19, 25/04/2013
Điều 99, Chương VII Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
Bàn về vị trí của Chính phủ, đa số ý kiến đề nghị không quy định "Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội" với lý giải: Trong chức năng "hành pháp" và "hành chính" đã thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ chấp hành Hiến pháp, luật do Quốc hội thông qua. Mặt khác, thuật ngữ "chấp hành" rất dễ gây hiểu nhầm Chính phủ là cơ quan cấp dưới của Quốc hội, trái với nguyên tắc phân công và kiểm soát quyền lực. Hơn nữa, nếu tiếp tục quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành thì sẽ hạn chế tính chủ động của Chính phủ. Theo đó đề nghị dự thảo quy định "Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp" nhằm thể hiện đúng vị trí, vai trò, quyền hạn của Chính phủ và bảo đảm phát huy quyền chủ động, sáng tạo của cơ quan hành pháp, thực hiện cơ chế kiểm soát đối với Quốc hội trong thực thi lập pháp.
Thống nhất với đề xuất này, theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, không nên quy định Chính phủ là cơ quan "chấp hành" của Quốc hội, bởi vì "chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, vì vậy, các cơ quan phải độc lập, chủ động và có cơ chế kiểm soát lẫn nhau. Trên cơ sở ganh đua của cơ quan lập pháp và hành pháp để từ đó có sự tương tác lẫn nhau làm động lực phát triển. Trong đó, quyền đề xuất ra là của Chính phủ, quyền phê chuẩn thông qua là của Quốc hội.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, trực tiếp tổ chức thi hành các luật, pháp lệnh, là cơ quan có điều kiện hiểu rõ nhất về tính hợp lý, tính khả thi của các luật, pháp lệnh, là cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng, tính khả thi, hợp lý của các chính sách và các dự án luật trình Quốc hội. Do vậy, cần bổ sung cho Chính phủ quyền đề xuất với Quốc hội xem xét lại và chưa thông qua dự án luật chưa bảo đảm tính khả thi; quyền kiến nghị với Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét lại đạo luật chưa bảo đảm tính khả thi trước khi công bố. Đây cũng là cơ chế kiểm soát của cơ quan thực hiện quyền hành pháp đối với cơ quan lập pháp đã được thiết lập trong Hiến pháp 1946 trước đây. Tuy trong dự thảo đã có nhiều quy định tăng cường kiểm soát của Quốc hội, kể cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội đối với Chủ tịch nước và Chính phủ nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vẫn chưa có quy định nào xác lập cơ chế kiểm soát tương ứng của cơ quan thực hiện quyền hành pháp đối với cơ quan thực hiện quyền lập pháp. Đây là vấn đề cần được quan tâm bổ sung trong quá trình hoàn thiện dự thảo.
Tham gia vào chế định Chính phủ, ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) so sánh giữa nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Quốc hội. Trong Điều 101, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định Chính phủ có nhiệm vụ "Thống nhất việc quản lý, xây dựng phát triển nền kinh tế quốc dân; thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quản lý và bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản thuộc sở hữu toàn dân; bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân...". Bên cạnh đó, về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Dự thảo cũng nêu Quốc hội có quyền quyết định "Mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách và nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia...". Ông Đinh Duy Hòa cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần phân định rõ hơn thẩm quyền của Chính phủ và Quốc hội trong việc quyết định các chính sách quan trọng của quốc gia...