Giáo dục đạo đức cho học sinh: Tiên học lễ…

Giáo dục - Ngày đăng : 06:19, 25/04/2013

(HNM) - Công tác giáo dục đạo đức cho HS hiện nay cần có sự điều chỉnh theo hướng bám sát thực tế, bớt giáo điều, hàn lâm và cần sự chung tay của cả nhà trường, gia đình và xã hội.

Nặng dạy chữ…

Đánh giá của cán bộ quản lý, giáo viên các trường học trên địa bàn Hà Nội đều thống nhất: môn học giáo dục đạo đức ở tiểu học hay giáo dục công dân (GDCD) ở cấp THCS, THPT (gọi chung là môn GDCD) là môn học đặc thù, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển thái độ, tình cảm, nâng cao nhận thức, tạo ra động cơ đúng đắn giúp HS tự điều chỉnh hành vi, thói quen trong học tập và cuộc sống.

Việc giáo dục đạo đức cho học sinh cần có sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội.Ảnh: Bá Hoạt


Có vị trí quan trọng là vậy, nhưng so với các môn học khác, thời lượng dạy học của môn GDCD lại khá khiêm tốn. Đơn cử, ở cấp THCS, trong khi văn, toán đều có 4 tiết/tuần (140 tiết/năm), môn ngoại ngữ 3 tiết/tuần (105 tiết/năm), công nghệ hay tin học cũng có 2 tiết/tuần (70 tiết/năm)… thì môn GDCD chỉ có 1 tiết/tuần (35 tiết/năm). HS cấp THPT cũng chỉ học 1 tiết GDCD/tuần, trong khi thời lượng học các môn văn, toán, Anh đều từ 3 đến 4 tiết/tuần.

Số liệu thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội cho thấy, tỷ lệ số tiết GDCD trong một năm học so với tổng số tiết học của HS mỗi khối lớp ở tiểu học, THCS, THPT chiếm chưa đầy 5%. Trong đó, nhiều nhất là ở khối lớp 6 khi tỷ lệ số tiết học GDCD chiếm 4,65% tổng số tiết học; còn tỷ lệ này ở khối lớp 4 và 5 là thấp nhất - với 4%.

Về nội dung, cô giáo Cao Khánh Ngân, Trường THPT Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho rằng phần triết học (lớp 10), phần kinh tế (lớp 11) trong chương trình môn GDCD là không cần thiết với HS phổ thông; phần về giáo dục pháp luật (lớp 12) lại quá nhiều về kiến thức lý thuyết khiến HS khó hiểu và dễ chán. Để HS ghi nhớ kiến thức, giáo viên cần tổ chức các tình huống thực tế để HS thực hành, nhưng số giờ dạy lại hạn chế…

Việc tổ chức học môn GDCD ở một số nhà trường cũng chưa được coi trọng. Hầu hết giáo viên môn này ở các trường đều là kiêm nhiệm. Thông thường, những giáo viên dạy văn hoặc môn khoa học xã hội sẽ đảm nhiệm việc dạy GDCD. Có trường lại giao cho giáo viên chủ nhiệm dạy. Tâm lý của nhiều phụ huynh, HS thường quan niệm GDCD chỉ là môn phụ, không cần thiết. Thực tế, hầu hết phụ huynh chỉ nhắc nhở con em mình phải chú tâm học toán, văn, ngoại ngữ, hiếm thấy phụ huynh phê bình khi con không quan tâm tới môn GDCD.

Việc không chỉ của "một nhà"

Thực tế giám sát tại các trường học cho thấy vai trò quan trọng của môn GDCD trong nhà trường. Tuy nhiên, để việc giáo dục đạo đức cho HS thực sự hiệu quả thì còn cần nhiều yếu tố khác, trong đó cần thiết có sự chung tay của nhiều lực lượng, đặc biệt là gia đình. Cô giáo Lý Thị Lương, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, dù cô giáo chủ nhiệm có quan tâm giáo dục thường xuyên, nhà trường có dạy dỗ bao nhiêu đi nữa mà về nhà bố, mẹ làm ngược lại những điều đã được thầy, cô chỉ bảo thì con trẻ cũng khó thể ngoan ngoãn được.

Đánh giá của Sở GD-ĐT Hà Nội về kết quả xếp loại hạnh kiểm của HS trong học kỳ I năm học 2012-2013 cho thấy, đa phần HS đều có ý thức trong học tập, rèn luyện; song vẫn còn nhiều HS xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu. Đáng chú ý là càng lên cấp học cao, tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu lại có chiều hướng tăng. Cụ thể, ở cấp THCS, toàn thành phố có gần 9.300 HS xếp loại hạnh kiểm trung bình và yếu, chiếm tỷ lệ 2,87%, trong đó loại yếu là 0,19% (608 HS). Còn ở cấp THPT, tỷ lệ HS trung bình và yếu tăng gần gấp đôi - với 5,28%, trong đó tỷ lệ HS xếp loại yếu là 0,95% (1.951 HS).

Kết quả xếp loại hạnh kiểm của HS Trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm) trong học kỳ I năm học 2012-2013 cho thấy trong số HS chưa ngoan, hạnh kiểm khá trở xuống, có đến 80% là do hoàn cảnh gia đình éo le (như bố mẹ ly dị, bố/mẹ mất, ở với ông/bà/người thân…). Đại diện Ban giám hiệu Trường THPT Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cũng cho biết phần lớn HS "có cá tính" trong trường đều có phần ảnh hưởng khá lớn từ gia đình, chủ yếu là do bố mẹ không quan tâm tới con cái, phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường; hoặc do quá nuông chiều con, đáp ứng mọi đòi hỏi của con mà không quản lý, giám sát xem con đi đâu, làm gì, chơi với những người bạn như thế nào…

Thực tế trên là minh chứng về vai trò quan trọng và những tác động mạnh mẽ từ gia đình, mà trực tiếp là bố, mẹ đến việc hình thành nhân cách, lối sống của HS ngay từ khi còn nhỏ. Hay nói như ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho HS cần có sự gắn kết của ba "nhà" là nhà trường, gia đình và xã hội. Trong đó, nhà trường giữ vai trò định hướng, uốn nắn những hành vi của HS theo chuẩn mực chung. Gia đình và xã hội là môi trường vun đắp, nuôi dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành giá trị đạo đức cho HS. Tấm gương về đạo đức, lối sống của cha mẹ và thầy cô giáo luôn có ý nghĩa và hiệu quả hơn ngàn vạn bài học lý thuyết về đạo đức mà HS được học.

Quá trình triển khai ở các nhà trường cho thấy, khi nhận thức và hành động cùng thống nhất theo mục tiêu chung sẽ góp phần làm cho công tác giáo dục đạo đức HS có chuyển biến tích cực.

Thống Nhất