Cấp giấy chứng nhận QSD đất chậm do vướng nhiều vào vi phạm đất đai
Đời sống - Ngày đăng : 16:03, 24/04/2013
Đề dẫn tại hội nghị, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nêu rõ: Trong thời gian qua, TP đã tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp GCN QSD đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Tuy nhiên, việc cấp GCN QSD đất còn rất chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, TP tổ chức hội nghị lần này để cập nhật lại tiến độ, đưa ra các giải pháp khắc phục. Đáng chú ý, trong ngày 24-4-2013, UBND TP cũng đã ban hành Quyết định 13 mới thay thế Quyết định 117 là cơ sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này. Quyết định này sẽ triển khai tới các cấp trong thời gian tới.
Còn 125.000 trường hợp vướng mắc trong cấp GCN QSD đất
Đánh giá về tình hình cấp GCN QSD đất trên địa bàn TP, phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Hiện có 29/29 quận, huyện đã có kế hoạch triển khai cấp GCN QSD đất đến các xã, phường, thị trấn… Tuy nhiên, theo kết quả rà soát, hiện trên địa bàn TP có 125.000 trường hợp sử dụng đất còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân như: nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền…nên các quận, huyện còn để lại chưa cấp GCN. Điển hình như Từ Liêm có 16.000 trường hợp, Ứng Hòa có 14.835 trường hợp, Phú Xuyên có 11.227 trường hợp, Chương Mỹ 10.671 trường hợp, quận hai Bà Trưng 7.466 trường hợp.
Mặt khác, từ năm 2001 đến tháng 5-2012, Hà Nội đã giao đất cho 370 dự án phát triển nhà ở, tổng diện tích 121.433m2, với khoảng 590.000 căn hộ, nhà liền kề, nhà biệt thự phải cấp GCN. Mặc dù vậy, tỷ lệ cấp GCN cho người mua nhà tại các dự án còn đạt tỷ lệ thấp, với khoảng 200.000 trường hợp vướng mắc cần tháo gỡ. Tuy Bộ TN&MT đã có văn bản hướng dẫn nhưng vẫn vướng mắc. Nguyên do là thời gian triển khai của nhiều dự án kéo dài, lên đến trên 10 năm; trong khi thực hiện dự án thay đổi chủ đầu tư, điều chỉnh qui hoạch, thay đổi hệ số sử dụng đất, qui mô công trình.
Mặt khác, chủ đầu tư có vi phạm về quy hoạch, thiết kế xây dựng đã được duyệt… nên phải chờ xử lý xong vi phạm mới cấp GCN; chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai đã xây dựng và bán nhà ở nên không đủ căn cứ để cấp GCN; chủ đầu tư được thành phố giao đất xây dựng chung cư được miễn tiền sử dụng đất, nhưng khi bán căn hộ, trong giá bán vẫn bao gồm cả giá trị tiền sử dụng đất; chủ đầu tư thu tiền của người mua căn hộ khi làm thủ tục cấp GCN trái pháp luật.
Ngoài ra, còn có tình trạng chủ đầu tư chậm trễ trong nộp hồ sơ để làm GCN cho người mua, hoặc chưa muốn làm thủ tục cấp GCN do tình trạng mua đi, bán lại và bên mua chưa nộp đủ giấy tờ; một số trường hợp giấy tờ về QSDĐ đứng tên công ty mẹ, nhưng việc xây dựng và ký hợp đồng bán lại do công ty con thực hiện.
Năng lực thẩm định, thực hiện cấp GCN của cán bộ vừa yếu vừa nhũng nhiễu
Phân tích về tình trạng vướng mắc trên, ông Nghĩa cho rằng về khách quan quá trình triển khai công tác cấp GCN QSD đất phải thực hiện nhiều văn bản từ Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND TP Hà Nội… Lượng hồ sơ kê khai cấp GCN QSD đất nhiều, tính chất phức tạp nhưng năng lực thực hiện của các cán bộ cấp quận, huyện còn hạn chế. Hơn nữa, thị trường bất động sản trên địa bàn TP có nhiều diễn biến phức tạp, tăng dân số cơ học, không kiểm soát được nhu cầu về nhà ở dẫn đến việc chuyển nhượng nhà đất trái phép..
Về nguyên nhân chủ quan, trong quá trình cấp GCN thiếu việc kiểm tra, đánh giá trên từng địa bàn xã, phường, thị trấn để tổng hợp tháo gỡ khó khăn, rút kinh nghiệm. Việc tổ chức bộ máy thực hiện công tác cấp GCN QSD đất tại một số UBND quận chưa được kiện toàn tổ chức Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định hồ sơ. Hiện có Hoàn Kiếm và Đống Đa chưa thành lập được Văn phòng đăng ký đất đai. Tinh thần, thái độ của cán bộ địa chính trong việc tiếp xúc với nhân dân còn nhiều nhũng nhiễu, gây phiền hà…
Đáng chú ý, ông Nghĩa cho hay, sai sót chủ yếu ở cấp xã, phường là việc thụ lý hồ sơ để hoàn thiện thủ tục cấp GCN chậm, đòi thêm thành phần hồ sơ ngoài thủ tục đã công bố, áp dụng qui định về cấp GCN thiếu chính xác, xác nhận không đúng về nguồn gốc, loại đất và thời điểm sử dụng đất. Một số hồ sơ khi xác định nguồn gốc đất lại không đối chiếu với các dữ liệu hồ sơ địa chính và thông tin liên quan...
Tạo điều kiện tối đa để người dân được cấp GCN nhà, đất
Khắc phục các vấn đề trên, ông Nghĩa cho biết: kế hoạch cấp GCN của toàn TP trong năm 2013 là 86.420 trường hợp, trong đó quý 1 đã thực hiện được 8.413 trường hợp, đạt 9,7%. (Tính tổng đến nay toàn TP đã cấp được 1.066.058 GCN đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị và nông thôn).
Để đạt mục tiêu, hiện Sở TN&MT đã hoàn thiện bản hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn và xin ý kiến đóng góp của Tổng cục đất đai để tổng hợp trình TP ban hành. Hơn nữa Sở cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã cần thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, không để ách tắc kéo dài. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất phối hợp với UBND cấp xã chủ động tổ chức cho người sử dụng đất kê khai đăng ký đất đai mà không thụ động chờ người sử dụng đất đến làm thủ tục đăng ký như trước đây. Việc xét duyệt hồ sơ cấp GCN QSD đất của cấp huyện phải được thực hiện lồng ghép, đồng thời với quá trình thẩm tra, xét duyệt của cấp xã để đảm bảo thời gian cấp GCN theo quy định.
Tại hội nghị, sau khi nghe báo cáo từ các quận, huyện, thị xã và ý kiến đóng góp từ các sở, ngành của TP, phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nêu rõ chủ trương của TP là tất cả các thửa đất đủ điều kiện sẽ được cấp GCN. Các quận, huyện, thị xã phải rà soát lại tình trạng cấp GCN, đăng ký chỉ tiêu thực hiện; tỷ lệ phần trăm thửa đất ở được cấp GCN. Theo chỉ tiêu chung của toàn quốc, Hà Nội phải đạt trên 85% việc cấp GCN đất ở.
Bên cạnh đó với cấp GCN quyền sở hữu nhà, với chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cần cấp sớm GCN nhà cho các hộ dân. Với những trường hợp chủ đầu tư vướng mắc về đất đai, xây dựng…; cần tách trách nhiệm của chủ đầu tư với các hộ dân. Người dân có thể kiện chủ đầu tư ra tòa. TP cũng tìm giải pháp để hỗ trợ cho các hộ dân. Với các hồ sơ không đủ điều kiện, các cơ quan chức năng phải phân tích nguyên nhân để kiên trì giải quyết.
Đáng chú ý về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch cho rằng cần phải thực hiện nghiêm túc “Năm kỷ cương hành chính của TP”, không để cán bộ hạch sách, làm bậy đối với dân. Tất cả các thủ tục hành chính không nằm trong quy định phải rút lại; vấn đề chứng thực giao dịch đất giao cho Sở Tư pháp báo cáo UBND TP. Sở TN&MT chủ trì với Sở Xây dựng, Sở Tài chính đôn đốc, xử lý các chủ đầu tư về việc cấp GCN nhà ở các dự án. Hai quận Hoàn Kiếm, Đống Đa phải khẩn trương xây dựng Văn phòng quản lý đất đai để hồ sơ chuyển thẳng về Văn phòng này. Cuối cùng, Phó Chủ tịch lưu ý các cơ sở tăng cường thanh kiểm tra việc cấp GCN QSD đất, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, cán bộ gây nhũng nhiễu với dân.