Hapro với mục tiêu phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:44, 24/04/2013

(HNM) - Những năm gần đây, người tiêu dùng ở ngoại thành Hà Nội đã được tiếp cận hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại.

Hệ thống siêu thị Hapro Mart sẽ được phát triển khắp vùng ngoại thành, phục vụ nhu cầu của người dân. Ảnh: Phương An


Hapro là một trong những doanh nghiệp (DN) chủ lực của Hà Nội trong việc phát triển hệ thống bán lẻ trong thời gian qua, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các DN bán lẻ nước ngoài tăng cường đầu tư vào thị trường Việt Nam. Để giữ vững thị phần, các DN "nội" phải mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ. Bên cạnh đó, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, việc mở rộng hệ thống này càng trở nên bức thiết khi NTD ở các vùng sâu, vùng xa có nhu cầu tiếp cận hệ thống thương mại hiện đại. Từ thực tế đó, những năm qua Hapro đã tập trung đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh nội địa, tăng cường hoạt động bán lẻ tại thị trường trong nước, nhất là thị trường ngoại thành Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đến nay, Hapro xây dựng được nhiều trung tâm mua sắm; trung tâm kinh doanh chợ; gần 100 siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart, Haprofood. Hiện nay, Hapro là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực thương mại, phân phối trên thị trường Thủ đô và khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng hệ thống phân phối, bán lẻ, Hapro cũng gặp những khó khăn nhất định. Đó là hệ thống phân phối của Hapro có nhiều điểm diện tích nhỏ, đã xuống cấp, phân bố dàn trải. Trình độ của cán bộ quản lý và nhân viên giao dịch, phục vụ chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, phần lớn NTD vẫn thích hình thức mua sắm tại chợ hoặc các cửa hàng bán lẻ truyền thống; hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội chưa đáp ứng cho mục tiêu văn minh thương mại cũng như sự cạnh tranh của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài ở Việt Nam "đổ bộ" vào thị trường trong nước… Để khắc phục những khó khăn này, Hapro đang và sẽ tăng cường xây dựng, đào tạo hệ thống nhân viên kinh doanh. Hapro cũng đặt ra mục tiêu xây dựng phát triển hệ thống bán lẻ ở các vùng ngoại thành Hà Nội, khu vực xa trung tâm và các tỉnh lân cận. Với các hệ thống bán lẻ này, tùy vào thực tế mà xây dựng những mô hình kinh doanh thích hợp, như trung tâm thương mại, chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng… với những sản phẩm phù hợp với NTD tại từng khu vực cụ thể. Dự kiến, từ nay đến hết năm 2015, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích mang thương hiệu Hapro Mart sẽ cơ bản "phủ kín" các huyện, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa như Ba Vì, Thạch Thất, Sóc Sơn... Chỉ tính riêng hai năm gần đây, Hapro đã khai trương một số siêu thị Hapro Mart tại các khu vực ngoại thành, trong đó có huyện Đan Phượng, Đông Anh và các địa phương khác… với diện tích mỗi siêu thị hơn 1.000m2, kinh doanh hơn 10.000 mặt hàng gồm các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, dụng cụ gia đình với chất lượng bảo đảm, giá bán hợp lý, phong cách phục vụ nhiệt tình, văn minh.

Việc xây dựng phát triển hệ thống bán lẻ tại ngoại thành và các tỉnh lân cận không chỉ có tác dụng giúp NTD tiếp cận hệ thống thương mại hiện đại, mà còn là cơ sở để Hapro xây dựng vùng nguyên liệu, trồng rau, tạo thực phẩm "sạch" và thu mua nguyên liệu để chế biến, cung cấp cho thị trường Thủ đô. Đây là những việc rất lớn, có tính chiến lược, là điều kiện để đưa Hapro trở thành tổng công ty làm chủ một hệ thống hạ tầng thương mại có sức cạnh tranh và phát triển bền vững, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Với cách làm đó, trung tuần tháng 3-2013, Hapro đã nhận giải thưởng "Thương hiệu mạnh Việt Nam 2012" trong số 100 DN xuất sắc trên cả nước. "Thương hiệu mạnh Việt Nam" là giải thưởng có uy tín do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức bình chọn và trao tặng hằng năm nhằm ghi nhận các DN Việt Nam có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển thương hiệu bền vững, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế. Đây là lần thứ 8 liên tiếp Hapro được nhận giải "Thương hiệu mạnh Việt Nam". Hapro cũng vinh dự là một trong 54 DN đạt "Thương hiệu quốc gia năm 2012". Đây là lần thứ hai tổng công ty nhận được giải thưởng cao quý này. Chương trình "Thương hiệu quốc gia" Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2003, giao Bộ Công thương là cơ quan đầu mối thực hiện. Nội dung chính của chương trình là giúp DN nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam ở trong và ngoài nước; lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đạt "Thương hiệu quốc gia" để hỗ trợ phát triển theo các giá trị mục tiêu: "Chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong". 

Thắng Ngọc