Tạo “cú hích” xử lý chất thải công nghiệp

Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 24/04/2013

(HNM) - Sự phát triển nhanh chóng của các khu, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất trên địa bàn Hà Nội đã tạo ra bước ngoặt về tăng trưởng kinh tế.

Để từng bước khắc phục tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai nhiều chương trình, dự án, huy động các nguồn lực xã hội nhằm khôi phục và cải thiện môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải Khu công nghiệp Hà Bình Phương (huyện Thường Tín) tiếp nhận xử lý hiệu quả nguồn nước thải trong quá trình sản xuất.


Thách thức trong quản lý

Trên địa bàn thành phố hiện có 8 khu công nghiệp đang hoạt động, 47 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với hơn 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ đã tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Tuy nhiên, sự phát triển "nóng" chính là áp lực lớn liên quan đến công tác quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.958 tấn chất thải rắn công nghiệp phát sinh, trong đó 285 tấn là chất thải nguy hại. Lượng chất thải nguy hại không những là thách thức lớn cho công tác quản lý mà còn đặt gánh nặng lên vai các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Chỉ tính riêng 6 tháng cuối năm 2012, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Môi trường đô thị (URENCO) đã thu gom vận chuyển và xử lý khoảng 10.000 tấn chất thải nguy hại.

Theo thống kê, hầu hết các khu công nghiệp đã được chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng xây dựng hệ thống xử lý nước thải đồng bộ. Tuy nhiên, rất ít các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra cho thấy, có tới 81% cơ sở sản xuất nằm ngoài khu công nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và không nộp lệ phí nước thải công nghiệp. Qua đó có thể thấy sự hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn hạn chế.

Cần giải pháp khắc phục đồng bộ

Trước sức ép về vấn đề quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có phát sinh chất thải nguy hại. Nhờ vậy, tình trạng tùy tiện xả chất thải nguy hại ra môi trường đã từng bước được khắc phục. Cùng với đó, nhiều chương trình, dự án huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ môi trường đã được Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành tích cực triển khai. Trong đó, phải kể đến Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy; Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường những làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng; Dự án xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000m3/ngày đêm; Dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức; Dự án thí điểm chôn lấp rác thải theo công nghệ bán hiếu khí Fukuoka - Nhật Bản…

Bên cạnh đó, sự chủ động của mỗi doanh nghiệp trong công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp tại chính cơ sở của mình cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của hầu hết các doanh nghiệp còn chưa cao, mới chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế.

Một số doanh nghiệp cũng đã có những nỗ lực quan tâm đến bảo vệ môi trường, song hiểu biết về các quy định pháp luật còn hạn chế nên vẫn vô tình vi phạm.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tích cực mở rộng các kênh truyền thông, cung cấp thông tin tới các doanh nghiệp như tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, tọa đàm, chia sẻ thông tin trên cổng thông tin của Sở, in ấn "Sổ tay hướng dẫn công tác quản lý môi trường dành cho cán bộ quản lý doanh nghiệp" để phát tặng cho doanh nghiệp… Trong đó, thành công nhất phải kể đến buổi "Đối thoại với doanh nghiệp về quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố - thách thức và giải pháp". Đây là hình thức trao đổi trực tiếp giúp doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi, nêu ra những khó khăn vướng mắc mà họ gặp phải trong quá trình quản lý môi trường tại cơ sở tới các nhà quản lý môi trường các cấp. Những thắc mắc về quy trình thủ tục hành chính, các vấn đề liên quan tới việc thu phí nước thải công nghiệp hay việc vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng đã được trao đổi một cách thẳng thắn và cởi mở. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham dự đối thoại còn có cơ hội gặp gỡ để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường tại chính doanh nghiệp của mình. Thông qua buổi đối thoại, nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã được giải đáp. Đây thực sự là một cách làm mới, hình thức tiếp cận mới hiệu quả để chia sẻ thông tin, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý ô nhiễm công nghiệp, cần được nhân rộng không chỉ ở cấp thành phố mà cần phổ biến rộng tới cấp quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.

Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội