Tăng sức mua để phát triển sản xuất kinh doanh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:35, 23/04/2013
Thông thường, quý I là thời gian thị trường tiêu dùng sôi động nhất trong năm do có các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, năm nay tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước đạt hơn 636.000 tỷ đồng (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2012), loại trừ yếu tố giá (tăng là 4,5%), con số trên thấp hơn mức tăng 4,7% của cùng kỳ năm trước.
Đưa hàng Việt về nông thôn sẽ giúp tăng sức mua, đồng thời giảm lượng hàng tồn kho. Ảnh: Minh Hải |
Các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều có sức mua giảm. Theo nhiều chuyên gia, giá cả hiện nay tăng không nhanh nhưng ở mức cao so với thu nhập của người dân. Vì vậy, dù là hàng thiết yếu nhưng người tiêu dùng vẫn phải tính toán. Cách khắc phục của đa số người dân là hạn chế nhu cầu không cần thiết, giảm bớt chi phí sinh hoạt, thậm chí phải giảm chi cả thực phẩm nếu chưa thật cần thiết.
Lượng tồn kho của các sản phẩm vẫn còn cao, mặc dù đang giảm dần. Nếu như thời điểm đầu tháng 1-2013, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,5%, đến ngày 1-3 chỉ tăng 16,5%. Việc giảm tồn kho một phần do các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn bằng cách điều chỉnh kế hoạch, chuyển đổi ngành kinh doanh phù hợp hoặc chấp nhận lãi ít để giải phóng hàng, thu hồi vốn nhằm tái cơ cấu ngành hàng. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho rằng, xét về chuỗi diễn biến gần đây, chỉ số tồn kho có biểu hiện thấp dần, nhưng chậm và vẫn cao hơn bình thường (khoảng 15%).
Thúc đẩy sản xuất, giảm hàng tồn kho
Theo Bộ Công thương, các ngành công nghiệp chủ chốt như khai khoáng, chế biến, chế tạo quý I năm 2013 đều có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, lần lượt là 2,1% và 5,4%. Đáng chú ý, sản xuất và phân phối điện chỉ tăng 8,5%, thấp hơn so với năm trước; đồng thời, trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến, có đến 15 nhóm có chỉ số giảm. Điều này cho thấy sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Một số ngành như dệt may, giày dép hoạt động tương đối thuận lợi và có mức tăng trưởng cao hơn, đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý II, thậm chí quý III. Với ngành thép, đầu ra sản phẩm cũng tốt hơn, tồn kho đã giảm mạnh còn 280.000 tấn hiện nay, gần trở về mức cho phép khoảng 250.000 tấn…
Bộ Công thương đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phát triển thị trường trong nước, đổi mới hệ thống kênh phân phối, đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đồng thời đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Bộ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa nhằm góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; tranh thủ cơ hội tăng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng và thị trường các nước có chung đường biên giới để giảm hàng tồn kho. Ngoài ra, sẽ có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tham gia vào thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa và các biện pháp tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh cũng như tháo gỡ dần lượng hàng tồn kho cho doanh nghiệp.
Theo Bộ Công thương, tình hình sản xuất công nghiệp trong những tháng tới sẽ khả quan hơn. Ngay từ tháng 2, các doanh nghiệp có xu hướng tích cực gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để đẩy mạnh sản xuất, đây có thể coi là tín hiệu tốt cho sản xuất hồi phục. Bên cạnh đó, bắt đầu bước vào mùa hè, nhiều sản phẩm như sản xuất điện, hàng thiết bị điện, điện lạnh, sản xuất đồ uống... mức tiêu thụ sẽ tăng mạnh, sản xuất sẽ tăng theo. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường bắt đầu có tác dụng; các nhóm hàng dệt may, da giày, linh kiện điện tử… đã có đơn hàng ổn định, nhu cầu khách hàng vẫn tăng là những yếu tố thúc đẩy sản xuất phát triển.