Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2,3%/năm

Đời sống - Ngày đăng : 05:54, 23/04/2013

(HNM) - Chiều 22-4, Ban Chỉ đạo trung ương về giảm nghèo bền vững tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá việc thực hiện công tác giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hai năm (2011-2012); triển khai nhiệm vụ giảm nghèo năm 2013 và định hướng đến năm 2015. Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về giảm nghèo bền vững Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị.


Sau hai năm (2011-2012) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo, đồng thời tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; ban hành một số chính sách an sinh xã hội để trợ giúp người nghèo khó khăn về đời sống như: chính sách hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho đối tượng có thu nhập thấp... Do thực hiện tốt các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 11,76% năm 2011 và 9,6% năm 2012, bình quân giảm 2,3%/năm. Mục tiêu đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89% năm 2013); đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành; tỷ lệ nghèo các huyện nghèo còn dưới 30%.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, trong hai năm qua mục tiêu giảm nghèo đã bước đầu đạt được nhưng tính bền vững chưa cao và còn nhiều hạn chế. Ở những vùng khó khăn tuy đã có chuyển biến nhưng còn chậm, do vậy khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương, khu vực, vùng miền ngày càng giãn rộng… Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, vùng khó khăn cần đòi hỏi nhiều công sức, nguồn lực hơn phải được ưu tiên hơn. Các cấp, các ngành, các địa phương cần thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chính sách hướng đến cùng một đối tượng, triển khai thực hiện trên cùng một địa bàn. Bên cạnh đó, việc phân công giữa các bộ, ngành phải rõ ràng, tránh tình trạng nhiều chương trình phân công cho các bộ, ngành khác nhau nhưng khi triển khai thiếu đồng bộ, thiếu sự kết hợp. Công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa để người dân hiểu hơn về chính sách xóa đói giảm nghèo, từ đó có mục tiêu phấn đấu thoát nghèo…

Quỳnh Anh