Nhiều giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 06:28, 22/04/2013

(HNM) - UBND TP Hà Nội đang vào cuộc quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Hà Nội đang áp dụng nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt


Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, tình hình kinh tế quý I của Hà Nội vẫn đối diện với hàng loạt thách thức. Kết quả SXKD của nhiều đơn vị chưa có sự chuyển biến tích cực, thậm chí rơi vào cảnh khó hơn. Niềm tin vào thị trường và tương lai sinh lợi của đồng vốn đang "co ngót" đáng quan ngại. Thực tế đó lý giải vì sao tốc độ tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu đều thấp hơn mong đợi, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển KT-XH. Từ đó, vấn đề đặt ra là làm sao xác định biện pháp, huy động hệ thống cơ quan chức năng vào cuộc, tận dụng mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN theo hướng hiệu quả, kịp thời.

Tuy vậy, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lại có mức tăng trưởng khá, với tổng vốn đăng ký khoảng 150 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ và là sự bù đắp đáng quý đối với đời sống kinh tế Thủ đô. Thực tế này cũng cho thấy, nếu tiếp tục được "vun xới" kịp thời, DN thuộc các thành phần khác nhau đều có cơ hội và khả năng phát huy tiềm năng để duy trì sự tăng trưởng, đóng góp vào công cuộc phát triển chung của thành phố. Mới đây, lãnh đạo thành phố đã đối thoại với DN về thực trạng và những giải pháp chủ yếu trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN năm 2013; trước hết tạo điều kiện cho các đơn vị tiếp cận, vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý; trong đó ưu tiên cho xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DN vừa và nhỏ, DN sử dụng nhiều lao động; tiếp tục hỗ trợ lãi suất sau đầu tư để tiếp sức cho đơn vị, khuyến khích DN mở rộng quy mô SXKD. Thành phố cũng chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát tình hình nợ xấu để tìm cách tháo gỡ.

Nhóm giải pháp thị trường được UBND TP Hà Nội nhấn mạnh để giải quyết hàng tồn kho. Theo đó, các đơn vị được cung cấp thông tin, nhất là về thống kê, dự báo trên thị trường trong và ngoài nước; lưu ý DN về những thay đổi trong chính sách của đối tác cũng như nhận biết "võ" bảo hộ sản xuất trong nước của nước ngoài. Công tác xúc tiến thương mại sẽ được gắn kết với việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" với sự coi trọng cả hai thị trường trong và ngoài nước. Thành phố cũng tập trung trợ giúp DN tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng bằng cách áp dụng cơ chế phù hợp để sử dụng sắt thép, xi măng cho cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới công trình/dự án giao thông, thủy lợi ở khu vực nông thôn theo chính sách đã ban hành. Bên cạnh đó là đôn đốc tình hình triển khai kế hoạch xây dựng cơ bản, tháo gỡ các thủ tục đầu tư, đấu thầu và thanh toán vốn; bảo đảm giải ngân 100% số vốn đầu tư đã giao.

Nhóm giải pháp tiếp theo là cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho SXKD, nhấn mạnh vào việc rà soát, bổ sung cơ chế, thủ tục đầu tư và đăng ký kinh doanh theo hướng tinh gọn, dễ hiểu và dễ thực hiện; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về ĐTNN và chấn chỉnh công tác quản lý lĩnh vực này thời gian tới. Thành phố cũng hỗ trợ DN phát triển xuất khẩu thông qua kế hoạch xuất khẩu năm 2013, với định hướng kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu, ưu tiên xuất khẩu; thực hiện đa dạng hóa đối tác và thị trường để nâng cao kim ngạch cũng như phòng tránh rủi ro.

Các sở, ngành sẽ thường xuyên phối hợp trong việc hỗ trợ DN vượt khó. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN vừa và nhỏ, chú trọng đến công tác đào tạo nhân lực, tư vấn dự án, cải tiến quy trình và rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh; đặc biệt là nâng cao hiệu quả của dự án "Vườn ươm DN".

Ông Trần Anh Vương, đại diện Hội DN trẻ Hà Nội cho biết, DN đang trông chờ vào sự hỗ trợ, những động thái cụ thể của thành phố với tinh thần khẩn trương, trong đó đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng điều hành và tầm nhìn, xác định mục tiêu hợp lý. Hà Nội nên tập trung đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ để khai thác tốt thế mạnh về công nghệ, nguồn chất xám cũng như phù hợp với nguồn vốn rải rác trong dân. Đáng tiếc, hiện nay đa số nhà đầu tư lớn, ĐTNN đều e ngại trước việc khó tìm được nhà cung cấp linh kiện, chi tiết tại chỗ để hoàn thiện thành phẩm khi triển khai dự án trên địa bàn. Các chuyên gia cho rằng, một khi mạng lưới DN phụ trợ hình thành, ngày càng mở rộng sẽ là sự bảo đảm cho sự ra đời tiếp nối của những đơn vị tiếp sau, bởi đó là chuỗi liên kết, vận động liên tục. Mặt khác, chính các DN sẽ là khách hàng của nhau hoặc chung sức làm gia công cho các DN lớn, nhất là DN ĐTNN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. Làm được như vậy sẽ tạo ra nhiều việc làm, tích tụ nguồn lực cho đầu tư và phát triển, ứng dụng công nghệ mới đồng thời có tác dụng tạo niềm tin, mời gọi thêm nhiều nhà đầu tư đến Hà Nội.

Anh Minh