Cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa: Còn nhiều lúng túng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:18, 22/04/2013
Huyện Phúc Thọ gặp nhiều khó khăn trong cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. Ảnh: Hữu Hoài |
Những khó khăn sau dồn đổi ruộng đất
Bà Lương Thị Quyết, thôn Cốc Lương xã Tân Hưng (Sóc Sơn) tâm sự: Khi chưa DĐĐT, gia đình có 12 thửa ruộng, ở nhiều vị trí cách xa nhau. Từ ngày gia đình chỉ còn 2 thửa ruộng, công việc đồng áng giảm hẳn. Không những thế, do đưa các giống mới và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, năng suất lúa tăng lên đáng kể. Băn khoăn của bà Quyết là làm thế nào để được cấp lại giấy CNQSDĐ trên hai thửa ruộng mới. Và đây cũng là trăn trở chung của người dân xã Tân Hưng sau khi hoàn thành việc DĐĐT.
Để cấp lại giấy chứng nhận cho người dân, các địa phương không đủ kinh phí, trong khi không thể bắt người dân đóng thêm khoản phí, bởi trước đây họ đã phải đóng tiền. Sự chậm trễ của việc cấp lại giấy CNQSDĐ nông nghiệp cho hộ gia đình đã gây thiệt hại cho cả Nhà nước và nhân dân. Bởi, Nhà nước sẽ gặp khó khăn trong quản lý, giải quyết tranh chấp đất đai của người dân; còn người sử dụng đất cũng gặp không ít trở ngại trong quá trình sản xuất cho đến thực hiện các giao dịch dân sự khác.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn
Qua khảo sát các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Phú Xuyên... cho thấy các địa phương đang lúng túng trong công tác cấp giấy CNQSDĐ nông nghiệp. Đến thời điểm này huyện Chương Mỹ đã dồn đổi được 7.947ha, nhưng chỉ duy nhất thị trấn Xuân Mai có bản đồ địa chính, còn lại 30 xã và 1 thị trấn chưa có bản đồ địa chính chính quy. Ở một số địa phương có bản đồ giải thửa nhưng đã cũ nát, không được chỉnh lý thường xuyên, nên không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, rất khó khăn cho việc lập quy hoạch đồng ruộng và cấp đổi lại giấy CNQSDĐ sau dồn đổi. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đo đạc, lập bản đồ tỷ lệ 1/2.000 đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp bằng hệ tọa độ VN2000 để phục vụ việc lập quy hoạch hệ thống giao thông nội đồng, thực hiện DĐĐT và cấp lại giấy CNQSDĐ sau dồn đổi. Đến nay, 24/31 xã, thị trấn thực hiện xong đo đạc, lập bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/2.000 phục vụ công tác DĐĐT. Các địa phương đã thực hiện cắm mốc đối với hộ sử dụng đất nông nghiệp theo kết quả DĐĐT. Theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-7-2012 của UBND TP Hà Nội thì toàn bộ kinh phí đo đạc, cấp đổi lại giấy CNQSDĐ sau DĐĐT, xây dựng bản đồ quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông nội đồng được sử dụng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, gặp một số vướng mắc như: việc lập, thẩm định phương án kỹ thuật và dự toán, thẩm định chất lượng bản đồ hiện chưa rõ thẩm quyền cấp nào, cơ quan nào thực hiện.
Cùng chung cảnh ngộ, huyện Sóc Sơn đã thực hiện DĐĐT được gần 6.000ha và công tác cấp giấy CNQSDĐ cho hộ dân cũng rối như tơ vò. Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện, để cấp, đổi lại giấy chứng nhận phải đo đạc, hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính của từng xã, thị trấn và riêng kinh phí thực hiện nhiệm vụ này hết khoảng 130 tỷ đồng. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đã chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương nghiên cứu, thống nhất đề xuất giải quyết vướng mắc liên quan đến việc lập, thẩm định dự toán, thẩm định chất lượng bản đồ phục vụ công tác DĐĐT.