Cải cách gắn với minh bạch

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:43, 22/04/2013

(HNM) - UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị về "Năm kỷ cương hành chính", đồng thời ban hành Kế hoạch kiểm tra công vụ nhằm tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan đơn vị.

Tuy nhiên, để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, bên cạnh việc chấn chỉnh kỷ cương hành chính thì việc đổi mới công tác quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng là vấn đề quan trọng, rất đáng quan tâm. Vì sao như vậy?

Thủ tục càng nhanh, gọn, đơn giản... thì văn hóa hành chính, văn minh công sở càng cao và ngược lại. Một trong những nguyên tắc của quản lý nhà nước là những thay đổi trong quản lý phải lấy sự thuận lợi của người dân làm trọng. Nhưng ở nước ta, các nhà quản lý thường tạo sự thuận lợi cho công việc của mình. Do vậy, nhiều thủ tục hành chính không thực sự gắn với đời sống xã hội. Ví dụ, thay đổi "sổ đỏ, sổ hồng" gây không ít phiền toái cho người dân. Việc liên tục thay đổi bằng lái, bảo hiểm xe, bảo hiểm y tế, gần đây là dự kiến thay đổi chứng minh thư cũng gây ra không ít bức xúc. Chưa kể mỗi lần có những thay đổi như vậy, Nhà nước phải bỏ ra một khoản ngân sách không nhỏ (là tiền nộp thuế của nhân dân)... Một phần do hạn chế về năng lực quản lý, dẫn đến tình trạng thủ tục này sinh ra các thủ tục khác, lẽ ra không đáng có.

Một vấn đề nữa, thủ tục hành chính chỉ là khái niệm chỉ ra một quy trình của quản lý, thế nhưng nó lại là "bạn đồng hành" với tiêu cực, hối lộ. Tại sao vậy? Vì trong tay một bộ phận "công bộc" biến chất, nó đã trở thành "sân chơi" của những trò tiêu cực. Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, không ít công chức đã tạo ra nhiều lý do khác nhau buộc người dân phải đi lại nhiều lần, dẫn đến tâm lý mệt mỏi, khó chịu, chán nản. Nếu được ai mách nước chi phí một ít cho xong việc, người ta sẵn sàng chấp nhận. Sự không minh bạch là cơ hội cho những công chức biến chất "hành dân".

Chưa kể thủ tục hành chính phức tạp đẻ ra sự móc nối tự trong hệ thống công vụ. Ví dụ thi tuyển thì tìm cách móc nối với cán bộ ở ngành tổ chức; chạy ngân sách, dự án thì tìm liên kết với cán bộ ngành tài chính hay kế hoạch đầu tư... Hoạt động công vụ thật ra chỉ là một môi trường xã hội bình thường, thậm chí còn là môi trường mang những đặc thù văn hóa riêng. Nhưng nếu những hoạt động ấy không bảo đảm các yếu tố khách quan, không công bằng sẽ trở thành không minh bạch, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức. Thực tế, những tiêu cực liên quan đến thủ tục hành chính diễn ra không chỉ ở những cán bộ thiếu kiến thức luật pháp. Nhiều vụ việc sai phạm được phát hiện có tính toán tinh vi, có liên kết chặt chẽ và nếu không phải là người có năng lực, hiểu biết pháp luật thì không thể thực hiện. Những "nhóm lợi ích" hình thành như một hệ quả tất yếu và nạn hối lộ, tham nhũng không dừng lại ở cái gọi là "tham nhũng vặt".

Từ những vấn đề nêu trên, cho thấy, chấn chỉnh kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức công vụ của đội ngũ công chức không thể tách rời việc đổi mới tư duy, phương pháp quản lý hành chính và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thủ tục hành chính cần được tối giản theo hướng hiệu quả, có lợi cho công tác quản lý của Nhà nước nhưng phải hài hòa với lợi ích của người dân, doanh nghiệp… Như vậy, cải cách hành chính phải được tiến hành đồng bộ các yếu tố theo hướng chuyên nghiệp. Trong đó minh bạch hóa luôn là công cụ hiệu quả để đẩy lùi tệ nạn tiêu cực, tham nhũng.

Thế Phương