Nhị Khê - Làng nghề, làng khoa bảng

Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 21/04/2013

(HNM) - Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 20km, có một ngôi làng nổi tiếng với nghề tiện gỗ. Hơn nữa, đây cũng là ngôi làng văn hiến, khoa bảng, nơi sinh ra các danh nhân nổi tiếng trong lịch sử. Đó là làng Nhị Khê (xã Nhị Khê, huyện Thường Tín)...

Con đường làng Nhị Khê được trải bê tông thẳng tắp, sạch sẽ và được tôn thêm vẻ đẹp bằng những công viên, nhà thờ họ, đình làng cổ kính… dọc hai bên đường. Đi quanh làng, chỗ nào cũng được nghe những âm thanh phát ra từ nghề tiện gỗ, bởi ở đây gần như 100% số hộ làm nghề này.

Thợ tiện ở làng Nhị Khê.


"Nghề tiện gỗ ở Nhị Khê ra đời cách đây vài trăm năm. Người làng giàu lên, có bát ăn bát để là nhờ công của tổ nghề Thánh sư Đoàn Tài truyền lại" - Trưởng thôn Nhị Khê Lê Chí Thắng kể về nghề cổ của làng. Theo ông Thắng, tương truyền vào thời vua Lê chúa Trịnh, có một người thợ tiện tài hoa tên là Đoàn Tài có khả năng tiện được nhiều sản phẩm độc đáo, trong đó có cái điếu 18 lỗ, có thể để 18 trai tráng cùng hút một lúc... Cụ về thôn Khánh Vân, xã Khánh Hà bên kia sông Tô Lịch dạy nghề làm đồ gỗ cho người dân bên đó, nhưng dạy mãi không thành. Cụ chán nản, ra sông ngồi, thấy có đông trẻ tắm, liền hỏi có muốn học nghề không. Dân làng đồng ý, cụ lội sông qua làng Nhị Khê truyền nghề. Khi người Nhị Khê đã học được thành thục, ngày 25-10, cụ bỗng dời đi không trở về. Từ đó, người Nhị Khê lấy ngày này làm ngày giỗ Tổ làng nghề, phong cụ là Tổ tiên Thánh sư. Làng nghề phát triển, đến thế kỷ XVIII-XIX, người dân Nhị Khê đã mang nghề tiện đi kiếm sống ở nhiều nơi: Nam Định, Thái Nguyên. Ở Hà Nội, họ tập trung mở cửa hàng ở phố Tố Tịch, phường Hàng Gai ngày nay.

Sản phẩm tiện gỗ của người Nhị Khê rất đa dạng. Nếu như trước đây, người làng chủ yếu làm hàng đồ thờ với những đài, nến, mâm bồng, ống hương, ống hoa… bằng gỗ, thì giờ sản phẩm đa dạng hơn nhiều. "Bất kể thứ gì thị trường cần và có lãi là người làng tôi đều làm, từ các đồ dân dụng đến sản phẩm trên nhiều chất liệu quý như sừng, xương, ngà..." - ông Thắng cho biết. Ở làng Nhị Khê, 100% hộ làm nghề sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Thế nhưng, mỗi hộ lại tập trung vào một mẫu sản phẩm riêng, không ai giống ai. Hộ chuyên làm đồ thờ, hộ làm hàng sừng, hàng mỹ nghệ, hàng chiếu, rèm, móc treo áo… Ai không sản xuất thì đi buôn gỗ hoặc giao dịch sản phẩm…

Làng danh nhân

Thôn Nhị Khê có khoảng 400 nóc nhà, nhưng lại là thôn nhiều danh nhân vào bậc nhất của huyện Thường Tín. Đây chính là quê của cha con cụ Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi. Cả cha và con đều đỗ Thái học sinh năm 1400. Sau này Nguyễn Trãi với tài văn võ song toàn đã có công lớn trong việc giúp Lê Lợi đánh thắng nhà Minh. Sáu trăm năm sau ngày sinh, Nguyễn Trãi được UNESCO đưa vào danh sách những nhân vật kiệt xuất nhất của lịch sử nhân loại, là Danh nhân văn hóa thế giới. Rồi cụ Dương Bá Cung, người có công trong việc sưu tầm và giới thiệu thơ văn của Nguyễn Trãi đầu tiên trong lịch sử văn học nước nhà… Kế tiếp là cha con cụ Lương Văn Can (người chủ trương mở Trường Đông Kinh nghĩa thục đầu thế kỷ XX), Lương Ngọc Quyến (lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên)… Ở Nhị Khê có mấy dòng họ lớn, thì hầu như dòng họ nào cũng có người đỗ đạt, thành danh. Truyền thống khoa bảng ở làng được duy trì hàng trăm năm qua, đơn cử như họ Nguyễn, văn bia của làng còn ghi rõ, dòng họ này có 9 người đậu tiến sĩ thời phong kiến...

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Khê Nguyễn Viết Bình, nhờ truyền thống khoa bảng cộng với việc duy trì và phát triển làng nghề đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Hiện tại, Nhị Khê là xã có tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học cao trên địa bàn huyện, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm. "Kinh tế khá giả nên người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn khang trang như ngày hôm nay"- ông Bình vui vẻ cho biết thêm.

Nguyễn Mai