Lợi bất cập hại

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:55, 21/04/2013

(HNM) - Năm 2011, mấy chục hãng phim bao gồm cả Nhà nước và tư nhân chỉ sản xuất được 17 phim truyện nhựa nhưng nhập khẩu tới 106 phim. Năm 2012 cũng chỉ sản xuất được 17 phim trong khi số đầu phim nhập khẩu tăng vọt lên con số 127.

Cũng năm 2012, cả nước chỉ sản xuất được 14 phim truyện video nhưng lại nhập tới 86 phim. Các kênh truyền hình của hầu hết các đài trên cả nước tràn lan phim truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc, với đủ các thể loại: tâm lý xã hội, trinh thám, cổ trang, chưởng... được phát đi phát lại như để lấp sóng. Không riêng điện ảnh, các sản phẩm văn hóa khác cũng trong tình trạng nhập siêu.

Truyền hình hiện là phương tiện chiếm ưu thế nhất trong các loại hình truyền thông nên không chỉ có phim thu hút khán giả mà các trò chơi truyền hình cũng luôn tạo ra cơn sốc. Không một ngày nào không có tin bài về các cuộc thi: Giọng hát Việt, Tìm kiếm tài năng, Cặp đôi hoàn hảo... trên các trang báo mạng. Thi thoảng nhà tổ chức trò chơi vờ gây ra sự cố và ngay lập tức nó thu hút một lượng lớn khán giả tham gia viết bài bình luận trên các trang mạng. Hầu hết các trò chơi này đều mua bản quyền nước ngoài, còn trò chơi có xuất xứ Việt Nam là rất ít.

Trong lĩnh vực xuất bản, sách mua bản quyền của nước ngoài mới là nguồn chính nuôi sống hầu hết các công ty văn hóa cũng như các nhà xuất bản. Ước tính số sách mua bản quyền nước ngoài chiếm tới 70% số đầu sách trên thị trường bao gồm đủ các thể loại: văn học, sách phổ biến kiến thức, giáo khoa, kinh tế, ngoại ngữ, tư vấn... Ấy là chưa kể năm nào cũng có các nhóm nhạc nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn kiếm đủ nước mắt và cảm xúc của giới trẻ.

Nhiều người cho rằng, thời buổi toàn cầu hóa nên nhập khẩu các sản phẩm văn hóa để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả và độc giả trong nước cũng là điều bình thường, thậm chí còn có lợi. Ở góc độ tiêu dùng thì đúng là có lợi. Khán giả được tiếp cận với các bộ phim mới mà không phải chờ đợi như trước kia. Các fan âm nhạc được nhìn thấy "thần tượng sống" chứ không chỉ qua các clip. Tác phẩm văn học ăn khách trên thế giới ngay lập tức được các nhà xuất bản mua bản quyền cho chuyển ngữ và in ấn rồi khẩn trương ra mắt bạn đọc, đáp ứng ngay nhu cầu của độc giả. Không những thế họ còn biết sự chuyển dịch của văn học nước ngoài. Đây là cơ hội cho các nhà văn trẻ định hướng sáng tác để vươn ra tầm thế giới...

Tuy nhiên lợi thì có lợi, song lợi bất cập hại. Dù chưa có thống kê nhưng hằng năm số ngoại tệ bỏ ra nhập phim truyện nhựa, phim truyện video, bản quyền trò chơi truyền hình, sách... là con số không nhỏ. Vì sao Trung Quốc với dân số 1,3 tỷ người mà một năm họ chỉ cho nhập mấy chục phim? Vì họ bảo vệ ngành công nghiệp điện ảnh trong nước, tạo công ăn việc làm cho đạo diễn, quay phim, nhà biên kịch, đội ngũ diễn viên... và kích thích sáng tạo. Song điều đáng nói là quen dùng văn hóa nước ngoài sẽ dẫn đến nguy cơ bị nô dịch về văn hóa, đây là điều các nhà quản lý cần phải suy nghĩ.

Ngọc Tiến