Nước Mỹ có thực sự an toàn?

Thế giới - Ngày đăng : 05:49, 21/04/2013

(HNM) - Câu trả lời là không cho dù, hôm qua (20-4), cuộc truy lùng hai nghi phạm gốc Chechnya được cho là thủ phạm gây vụ nổ bom kinh hoàng tại Giải Marathon Boston (ngày 15-4) đã kết thúc...


Hai nghi phạm được khoanh vùng sau khi cơ quan điều tra Mỹ xác định được bộ dạng khả nghi của họ trong đoạn video hiện trường trước khi xảy ra vụ nổ bom. Dzhokhar Tsarnaev đã bị thẩm vấn ngay sau khi bị bắt mặc dù bị thương nhằm tìm hiểu động cơ gây án cũng như xem hai nghi phạm có liên hệ với tổ chức khủng bố nào hay không. Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định sẽ nỗ lực tìm ra lý do khiến hai anh em nhà Tsarnaev trở nên thù hận như vậy tại chính mảnh đất đã cưu mang họ.

Hai anh em nghi phạm Tamerlan Tsarnaev (trái, 26 tuổi) và Dzhokhar Tsarnaev (19 tuổi).


Dù nghi phạm đã bị bắt nhưng dư âm của cuộc khủng bố kinh hoàng tại Giải Marathon Boston một lần nữa khiến người dân Mỹ cảm thấy rất bất an ngay trên chính đất nước của mình. Kể từ vụ khủng bố lịch sử 11-9-2001, gần 12 năm qua, nước Mỹ có vẻ yên ả, không có những vụ "động trời"; đáng kể nhất chỉ có vụ đánh bom bất thành năm 2009. Thế nên, vụ đánh bom ngày 15-4 vừa qua là lời cảnh báo rằng chủ nghĩa khủng bố vẫn không rời bỏ nước Mỹ. Trên thực tế, nhân danh cuộc chiến chống khủng bố và đáp trả những kẻ đã gây ra sự kiện 11-9, chính quyền Mỹ dường như đã thực hiện quyền lực gần như không giới hạn trong các tình huống chiến tranh trải dài từ Iraq tới Afghanistan, Pakistan sang Libya... Mỹ cũng đã rút quân khỏi Iraq, định thời hạn để triệt thoái quân đội khỏi Afghanistan và khải hoàn sau vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden… Dễ dàng nhận thấy, dưới nhiệm kỳ của Tổng thống B.Obama, với cách tiếp cận linh hoạt và mềm dẻo hơn, nước Mỹ đã cố gắng thay đổi giọng điệu về cuộc chiến chống khủng bố, khi nhanh chóng triệt thoái thoát khỏi khu vực Trung Đông, Nam Á để đối phó với những thách thức có ý nghĩa lâu dài như một chiến lược toàn cầu của Mỹ thời kỳ hậu chống khủng bố. Nếu không kể đến những hy sinh nhân mạng và chi phí tất yếu khi phát động hay duy trì bất kỳ cuộc chiến tranh nào, công bằng mà nói, sách lược chống khủng bố của chính quyền Obama đã có những hiệu quả thực chất.

Nhưng vụ đánh bom ở Boston đã làm thay đổi gần như tất cả khi mầm mống của khủng bố vẫn tồn tại ngay ở chính nước Mỹ. Nói cách khác, vụ tấn công do anh em nhà Tsarnaev gây ra cho thấy, cuộc chiến chống lại những kẻ cực đoan hình thành từ trong lòng nước Mỹ là nhiệm vụ vô vàn khó khăn. Trong phiên điều trần tại Quốc hội cuối tuần này, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng mối đe dọa từ Al Qaeda và nguy cơ khủng bố quy mô lớn nhằm vào nước Mỹ đã được giảm thiểu. Nhưng phong trào Hồi giáo cực đoan lại được truyền bá rộng rãi hơn như mặt trái đáng sợ của internet. Sự tiến bộ về công nghệ và viễn thông đã khiến nhiều kẻ cực hữu có thể kết nối thành một tổ chức chung qua internet. Chúng được tuyên truyền tư tưởng cực đoan mà không cần phải rời khỏi nơi ở cũng như nơi học tập, thậm chí ngay tại nhà và rất manh động trong thực hiện các vụ tấn công, nhằm gây chú ý. Như vậy, những gì mà giới chức Mỹ từng tin tưởng về một đất nước an toàn với công nghệ hiện đại và bậc thầy về bảo đảm an ninh một lần nữa cho thấy đó chỉ là lý thuyết và còn rất xa với thực tế. "Vụ Boston" một lần nữa cho thấy, nước Mỹ thực chất rất dễ tổn thương và bị xâm nhập bởi những kẻ cực đoan. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu anh em nhà Tsarnaev có liên quan tới các tổ chức khủng bố quốc tế? Nhà chức trách Mỹ hiện vẫn đang tìm hiểu xem cả hai đã tự ý tiến hành vụ đánh bom như những kẻ khủng bố "đơn độc" hay thực hiện "nhiệm vụ" Boston từ một bộ máy chỉ huy nào đó tại Mỹ hoặc từ nước ngoài.

Rõ ràng, vụ đánh bom tại thành phố Boston ngày 15-4 đã mở ra một thách thức mới với chính quyền Obama trong nhiệm kỳ thứ 2 này. Hơn thế, dù vụ tấn công này bắt nguồn từ bên trong hay bên ngoài đất nước, cường quốc số một thế giới một lần nữa lại đối mặt với những nguy cơ khó dự báo. Và câu hỏi về một nước Mỹ đã thực sự an toàn hơn vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngày 19-4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại bang Texas để giúp bang này đương đầu với hậu quả của vụ nổ tại một nhà máy sản xuất phân bón. Vụ nổ xảy ra ngày 17-4 đã nối tiếp những sự kiện đang gây hoang mang cho cả nước Mỹ khi cướp đi sinh mạng của ít nhất 14 người, trong đó có các lính cứu hỏa tới hiện trường để dập tắt hỏa hoạn. Nhà chức trách cho biết 200 người đã bị thương trong vụ này.

Thùy Dương