Chênh lệch thu nhập ngày càng gia tăng

Đời sống - Ngày đăng : 06:44, 20/04/2013

(HNM) - Hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có những bước tiến lớn về tăng trưởng nhanh và giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, cùng với quá trình này, tình trạng bất bình đẳng lại ngày một gia tăng.

Báo cáo "Đánh giá nghèo Việt Nam năm 2012" của Ngân hàng Thế giới cho thấy, bất bình đẳng về thu nhập tại Việt Nam đã gia tăng, dù là ở mức khiêm tốn. Chênh lệch giữa thu nhập trung bình đầu người của nhóm 20% hộ khá giả nhất với 20% hộ nghèo nhất đã tăng từ mức 7 lần năm 2004 lên 8,5 lần năm 2010. Đối tượng thu nhập thấp tập trung chủ yếu ở nhóm dân tộc thiểu số. Thu nhập của nhóm 20% hộ có thu nhập cao nhất gấp 11,4 lần so với nhóm 20% hộ có thu nhập thấp nhất vào năm 2004 và gấp 17,5 lần vào năm 2010. Người dân tộc thiểu số ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số người nghèo, đồng thời khoảng cách giữa người dân tộc thiểu số và các nhóm còn lại đang tăng lên. Chênh lệch thu nhập của nhóm 20% hộ có thu nhập thấp nhất của dân tộc thiểu số với nhóm 20% thu nhập thấp nhất của dân tộc đa số cũng đã tăng từ mức 1,4 lần lên mức 2,1 lần.

Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa để giúp các gia đình dân tộc thiểu số giảm nghèo. Ảnh: Nhật Nam


Khu vực nông thôn "đóng góp" chính vào sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập gần đây. Tốc độ tăng trưởng thu nhập của 10% hộ nghèo nhất ở khu vực này chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng thu nhập của 10% hộ giàu nhất trong giai đoạn 2004-2010. Lần đầu tiên, hệ số Gini về bất bình đẳng thu nhập ghi nhận, bất bình đẳng ở khu vực thành thị và nông thôn hiện tương đương nhau. Hệ số Gini tại khu vực nông thôn đã tăng từ 0,365 năm 2004 lên 0,413 năm 2010, trong khi hệ số này tại khu vực thành thị giai đoạn này ổn định ở mức xấp xỉ 0,386.

Cũng trong giai đoạn 2004-2010, bất bình đẳng về thu nhập và chi tiêu do chênh lệch thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị đã giảm. Khoảng cách này đã giảm từ 1,87 lần xuống còn 1,7 lần. Tương tự, tỷ lệ giữa chi tiêu trung bình tại khu vực thành thị so với nông thôn cũng giảm từ 2,26 lần năm 2004 xuống còn 2,01 lần năm 2010.

Nguyên nhân từ mô hình tăng trưởng

Theo Ngân hàng Thế giới, nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng thu nhập là do nhóm dân tộc thiểu số không đạt tiến bộ nhanh chóng. Người dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp hơn và bị hạn chế hơn về khả năng tiếp cận nguồn vốn sản xuất nên chênh lệch về thu nhập giữa các dân tộc ngày càng gia tăng. Trên thực tế, khu vực phi nông nghiệp ở Việt Nam đã tăng trưởng và ngày càng nhiều cá nhân có học vấn được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này. Do đó, việc người dân tộc thiểu số chiếm số đông trong lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng chậm hơn đã khiến cho khoảng cách trung bình về thu nhập ngày càng giãn rộng.

Sự khác nhau giữa các vùng miền và mô hình tăng trưởng cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng bất bình đẳng. Trong giai đoạn 2004-2010, mức độ tăng trưởng giữa các vùng là không đồng đều. Tăng trưởng thu nhập ở Đông bắc chậm hơn so với các vùng khác trong cả nước, còn tăng trưởng thu nhập ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Tây Nguyên lại cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân 8%. Đông Nam bộ vẫn là vùng có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn các vùng khác (khoảng 11%).

Gia tăng bất bình đẳng cũng liên quan tới những chuyển dịch về mô hình sản xuất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trong giai đoạn 1998-2010, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp giảm từ 68% xuống 45%, trong khi lao động trong lĩnh vực công nghiệp tăng từ 12% lên 14% và lĩnh vực dịch vụ tăng từ 20% lên 31%. Ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị, thu nhập từ tiền công có mức tăng trưởng bình quân nhanh nhất trong khi thu nhập từ các hoạt động nông nghiệp và các hoạt động liên quan tăng tương đối chậm. Mặc dù nông nghiệp và các hoạt động liên quan tiếp tục đóng vai trò là nguồn thu nhập quan trọng của các hộ ở nông thôn nhưng tỷ trọng đóng góp của các hoạt động này đã giảm xuống từ mức 55% tổng thu nhập năm 1998 xuống còn 30% tổng thu nhập năm 2010.

Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định, bất bình đẳng về thu nhập gia tăng ở Việt Nam cho thấy, các tiến trình tăng trưởng không còn mang lại nhiều thuận lợi hơn cho người nghèo và những hộ gia đình nghèo đang bị bỏ lại phía sau. Các hộ gia đình dân tộc thiểu số, các hộ gia đình có trình độ học vấn thấp ít có cơ hội hưởng lợi từ các quá trình tăng trưởng và chuyển dịch sang khu vực phi nông nghiệp hơn các hộ có trình độ học vấn cao đang trở thành những xu hướng nổi trội trong nền kinh tế nước ta. Điều này cho thấy Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa nhằm giúp các hộ gia đình nghèo vượt qua các cản trở về cơ cấu và đạt được tiềm năng tăng trưởng của họ.

Lâm Vũ