Trân trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 06:18, 20/04/2013

(HNM) - Tuần qua, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bản Dự thảo Hiến pháp mới trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu gần 26 triệu lượt ý kiến của các tầng lớp nhân dân sau 3 tháng triển khai lấy ý kiến rộng rãi. Nhiều đóng góp xác đáng của nhân dân đã được ghi nhận, cụ thể hóa ở nhiều điều, khoản trong Dự thảo...

Nhiều điểm mới được bổ sung

Trên cơ sở tiếp thu, chỉnh lý theo góp ý của các tầng lớp nhân dân, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới (Dự thảo tiếp thu) đã có nhiều sửa đổi, từng bước đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân. Hầu hết những vấn đề nhân dân quan tâm thời gian qua như: Đề nghị bỏ quy định thu hồi đất vì mục đích kinh tế, xã hội; hiến định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước và những bảo đảm của Nhà nước để các quyền cơ bản của người dân là hiện thực và khả thi... đều được Ban biên tập ghi nhận, thể hiện trong Dự thảo tiếp thu.

Cụ thể, theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, ngay tại chương I, đã có nhiều ý kiến người dân góp ý về tên nước. Trong khi nhiều ý kiến thống nhất giữ nguyên như Dự thảo cũ "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời" thì cũng có đề xuất lấy lại tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với lý giải tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta. Mặt khác, tên gọi này phản ánh đúng trình độ phát triển của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Tiếp thu ý kiến của nhân dân, tại bản Dự thảo tiếp thu đã bổ sung phương án "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời. Tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Tại Điều 2, Dự thảo Hiến pháp quy định "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" thì tại Dự thảo tiếp thu cũng bổ sung phương án mới: "Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc". Liên quan đến vấn đề thu hồi đất tại Điều 58 - nội dung được đông đảo người dân quan tâm, đề xuất bỏ quy định thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội đã được ghi nhận. Đồng thời, Dự thảo tiếp thu đã bổ sung nguyên tắc: "Thu hồi, bồi thường phải công khai, minh bạch, công bằng và do luật định".

Đưa ra nhiều phương án lựa chọn

Trên tinh thần, tất cả vấn đề lớn của Hiến pháp và những nội dung còn ý kiến khác phải đưa ra các phương án khác nhau để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục thảo luận, tại Dự thảo tiếp thu, điều này đã được thực hiện nghiêm túc. Với những nội dung còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, Dự thảo tiếp thu đã trình hai phương án: Một là giữ nguyên nội dung cũ của bản Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến nhân dân; hai là các ý kiến đề xuất của người dân. Đây là điểm mới tích cực đáng ghi nhận. Như vậy, không chỉ còn một lựa chọn duy nhất như tại Dự thảo được đưa ra lấy ý kiến nhân dân cách đây 3 tháng, bản Dự thảo tiếp thu đã dân chủ, khách quan hơn khi bổ sung thêm phương án phản ánh ý kiến của nhân dân.

Tại Điều 4, Dự thảo tiếp thu lần này trên cơ sở các góp ý của nhân dân cũng đã có những chỉnh lý, bổ sung. Ngoài phương án cũ giữ nguyên như Dự thảo, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đề xuất thêm phương án mới, tại khoản 1 quy định: "Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Ở khoản 2, thay vì quy định "Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" đã bổ sung phương án mới "Đảng chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình".

Có thể thấy, với cách làm dân chủ, thêm phương án tổng hợp ý kiến của nhân dân, bản Dự thảo tiếp thu đã bảo đảm đúng tinh thần: Những nội dung góp ý hay, có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn cần được tiếp thu tối đa, chọn lọc khoa học để chắt lọc tinh hoa trí tuệ của nhân dân. Trân trọng tiếp thu các ý kiến góp ý của nhân dân và từng bước cụ thể hóa qua từng điều, khoản tại bản Dự thảo tiếp thu đã giải tỏa băn khoăn khi có ý kiến cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân chỉ là hình thức. Đây cũng là sự khích lệ rất lớn để người dân tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến cho những chủ trương, quyết sách của đất nước.

Với tính chất đặc biệt quan trọng, bản Dự thảo tiếp thu đang tiếp tục được hoàn thiện. Việc tiếp tục nhận các ý kiến đóng góp của nhân dân cho đến ngày 30-9 năm nay, trước khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được trình Quốc hội thông qua một lần nữa cho thấy Ủy ban Dự thảo luôn trân trọng và mong muốn nhận được nhiều hơn nữa các ý kiến góp ý để bản Hiến pháp mới phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thể hiện được tâm nguyện của toàn Đảng, toàn dân.

Đà Đông