Quyền im lặng

Đời sống - Ngày đăng : 06:10, 20/04/2013

(HNM) - Tại bản kiến nghị góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đề xuất "cần hiến định quyền im lặng cho bị can, bị cáo".

Cụ thể, Hiến pháp nên quy định: "Người bị tình nghi, bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng tư vấn pháp lý của luật sư, có quyền im lặng khi chưa có luật sư tham gia tư vấn pháp lý cho mình". Đề xuất này đối với không ít người dân Việt Nam nghe có vẻ lạ vì luật pháp hiện hành chưa có quy định nào cho phép người bị tạm giữ, bị can được quyền im lặng để chờ "thầy cãi". Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp luật và người từng phải thi hành án phạt tù, nếu đề xuất được triển khai sẽ góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp.

Thực tiễn hoạt động tố tụng cho thấy, các bị can, bị cáo khi bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam mà khai báo thành khẩn hành vi phạm tội của mình thì sẽ được coi là tình tiết giảm nhẹ. Ngược lại, nếu họ im lặng, không khai báo thường bị cáo buộc ngoan cố, chống đối pháp luật và bị đề nghị xử lý với chế tài nghiêm khắc hơn dù không có quy định "ngoan cố" là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự… Do đó, luật hóa quyền im lặng sẽ khiến hoạt động xét xử minh bạch hơn. Ngoài ra, việc áp dụng quyền im lặng cũng sẽ hạn chế được tối đa tình trạng ép cung, mớm cung. Còn nhớ, kỳ án "vườn mít" kéo dài hơn 8 năm với hai bản án tử hình được tuyên rồi lại hủy và mới đây TAND tỉnh Bình Phước tiếp tục tuyên Lê Bá Mai án chung thân "về tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em" vẫn đang gây tranh cãi. Vụ án này trở nên phức tạp và khó tìm ra sự thật là do trong quá trình thu thập chứng cứ, nhân chứng, cơ quan điều tra còn thiếu sót. Riêng trong việc lấy lời khai, tại cơ quan điều tra và tại tòa, Lê Bá Mai có lời khai khác nhau, thậm chí Lê Bá Mai còn tố cơ quan điều tra đã ép cung, mớm cung… nên lời khai mới bất nhất. Dư luận có quyền nghi ngờ cơ quan điều tra vì thông thường người bị tạm giam, tạm giữ luôn lo lắng, sợ hãi vì bị giam giữ, phải một mình đối diện với cơ quan điều tra, cộng thêm sự thiếu hiểu biết về pháp luật nên khi bị lấy lời khai, thẩm vấn, họ rất dễ khai theo "gợi ý" của người lấy lời khai thiếu công tâm. Vì thế, nếu được thực hiện quyền im lặng để chờ luật sư chứng kiến, thì luật sư chính là "người làm chứng" cho các lời khai của thân chủ mình, từ việc khai khách quan hay không, có hay không việc thân chủ bị bức cung, ép cung, nhục hình…

Những minh chứng trên cho thấy, quyền im lặng không chỉ bảo đảm khách quan, giảm vi phạm tố tụng mà còn giúp cho quá trình tố tụng nhanh hơn, không phải điều tra lại nhiều lần.

Bách Sen