Tìm phương án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa

Xã hội - Ngày đăng : 07:05, 19/04/2013

(HNM) - Hơn một tuần qua, chủ đề về phương án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa vẫn còn


Chiều qua, 18-4, Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội tiếp tục báo cáo lãnh đạo thành phố Hà Nội về phương án xây dựng cầu vượt tại nút giao thông Ô Chợ Dừa. Tinh thần là cân nhắc phương án tối ưu trong hoàn cảnh hiện nay, bảo đảm đáp ứng yêu cầu tăng cường năng lực giao thông trên tuyến Vành đai 1 và nhiệm vụ bảo tồn Đàn Xã Tắc - di tích nằm trong khu vực dự kiến xây cầu vượt nói trên.

Vào giờ cao điểm, nút giao thông Ô Chợ Dừa luôn xảy ra ùn tắc.Ảnh: Bá Hoạt



Theo đại diện Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, đơn vị được UBND thành phố giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo nút giao thông trên tuyến Vành đai 1, thì hiện nay, phương án xây dựng cầu vượt theo hướng Xã Đàn - Hoàng Cầu vẫn là tối ưu. Những tính toán chi tiết cho nhiều phương án khác nhau cho thấy, việc xác định xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng Vành đai 1 (hướng Xã Đàn - Hoàng Cầu) là hợp lý, không chỉ tạo sự liên thông đồng bộ trên toàn tuyến, mà còn tận dụng được ưu thế về giải phóng mặt bằng (chỉ cần thu hồi hơn 500m2 đất).

Đối với nút giao thông Ô Chợ Dừa, quá trình lập phương án kiến trúc, quy hoạch tổng mặt bằng được thực hiện từ năm 2010, các chuyên gia tư vấn đã đề xuất 10 phương án, mục tiêu là chọn giải pháp tối ưu nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Đàn Xã Tắc cũng như mục tiêu phát triển. Để đáp ứng hai yêu cầu tối quan trọng nói trên, theo ý kiến của tổ chuyên gia tuyển chọn phương án kiến trúc và đại diện các ngành liên quan, là cần thu hẹp mặt cắt cầu xuống dưới mức 16 mét, chủ đầu tư đã hoàn thiện quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc và đến ngày 6-3-2013, Sở Quy hoạch kiến trúc đã có văn bản thống nhất về mặt nguyên tắc, theo đó cầu có chiều dài 632 mét, mặt cắt ngang 14,5 mét, bảo đảm đủ 4 làn xe theo quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép. Theo phương án này, hai mố cầu vượt nằm ngoài phạm vi được hiểu là khu vực bảo vệ di chỉ khảo cổ Đàn Xã Tắc hiện nay, và thân cầu đi sát phạm vi đó.

Phương án xây cầu vượt Xã Đàn - Hoàng Cầu hiện đang được thẩm định kỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về xây dựng, nếu đã xác định nhu cầu xây cầu vượt là cấp thiết, nhằm giải bài toán giao thông vốn dĩ quá phức tạp tại nút giao thông Ô Chợ Dừa thì nhìn chung, lúc này, có thể coi phương án nói trên là hợp lý nhất. Nó giúp giải bài toán giải phóng mặt bằng, không gây quá nhiều sự xáo trộn đối với đời sống của người dân trong khu vực này. Liên quan đến nhiệm vụ chung về bảo tồn di sản, có tính đến tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, nhiều người cho rằng đó là phương án khả dĩ nhất vào lúc này.

Kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ bảo tồn và phát triển


Đàn Xã Tắc là di tích quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đương nhiên là việc thực hiện các dự án giao thông tại khu vực có di tích làm nhiều người lo ngại. Những ngày qua, đã có nhiều ý kiến cho rằng chủ đầu tư cần lựa chọn phương án khác, nhằm bảo đảm an toàn cho di tích. Các phương tiện truyền thông dẫn ý kiến của các nhà nghiên cứu, nói rằng khu vực được khoanh vùng bảo vệ hiện nay là không đầy đủ và việc xây dựng các mố cầu có thể chạm tới phần di tích dưới lòng đất hiện chưa được xác định rõ ràng. Những dẫn chú khác đưa thông tin về hồ Xã Đàn ở cách nơi khoanh vùng bảo vệ hiện nay vài trăm mét, cho đó là thành phần không thể thiếu của Đàn Xã Tắc, và bởi vậy, khu vực cần bảo vệ trong thực tế có thể lớn hơn rất nhiều…

Những tồn nghi trong ít ngày qua đặt ra câu hỏi về sự kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ bảo tồn và yêu cầu phát triển. Trên thực tế, yêu cầu cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa là cần thiết, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Nút giao thông trọng điểm này nằm trên tuyến Vành đai 1 (đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa đã hoàn thành cách nay 5 năm, nút giao thông Kim Liên xong vào năm 2009, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu sẽ thông xe trong năm nay), nếu hoàn thành, chờ đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục hoàn thành là thông tuyến… Tuy thế, bảo vệ di sản cũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, những đòi hỏi về một giải pháp bảo tồn là điều phải lưu tâm. Trong trường hợp này, giữa bảo tồn Đàn Xã Tắc và nhu cầu cấp thiết cải tạo nút giao thông Ô Chợ Dừa, điều quan trọng là tìm ra giải pháp kết hợp hài hòa giữa hai nhiệm vụ nói trên. Lúc này, liệu có thể có ngay một giải pháp hài hòa tuyệt đối?

Lịch sử thì xa, cuộc sống thì gần. Sự dung hòa không dễ có được ngay. Đã có ý kiến phân tích rằng, cây cầu vượt hướng Xã Đàn - Hoàng Cầu không bảo đảm an toàn cho di tích, đơn giản là vì hiện nay, vì nhiều lý do, chưa thể xác định chính xác phạm vi của Đàn Xã Tắc sẽ kết thúc ở đâu. Có thể chọn phương án nào tốt hơn? Có ý kiến chọn phương án trực thông theo trục Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng, nhưng, theo chuyên gia quy hoạch, đó là giải pháp đòi hỏi một số tiền giải phóng mặt bằng khổng lồ. Hơn nữa, nếu chưa xác định chính xác "vùng lõi" Đàn Xã Tắc mở rộng đến đâu, dưới lòng đất còn có những gì, cây cầu vượt hướng Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng liệu có tránh được khả năng "động chạm"?...

Cho đến lúc này, chưa có phương án nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mọi sự vẫn còn ở phía trước. Hơn lúc nào hết, đây là lúc chủ đầu tư có thể tận dụng sự đóng góp rộng rãi của các nhà khoa học nhằm trả lời câu hỏi: Có thể xây cầu vượt ở đâu trong khu vực nút giao thông Ô Chợ Dừa mà bảo đảm kết hợp hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn và nhu cầu phát triển chính đáng?

Quá trình thi công đường Vành đai 1 đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa, chủ đầu tư đã thực hiện các biện pháp bảo vệ phía trên di tích theo đúng yêu cầu của Bộ VH,TT&DL tại Văn bản số 117/BVHTTDL-DSVH ngày 11-1-2008.

Quá trình lập thiết kế cơ sở dự án nút Ô Chợ Dừa (phương án kiến trúc, quy hoạch tổng mặt bằng), chủ đầu tư đã thống nhất với Sở VH,TT&DL Hà Nội báo cáo và có thỏa thuận của Bộ VH,TT&DL về phương án kiến trúc cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa (trong đó có trụ cầu nằm ngoài khu vực bảo vệ Đàn Xã Tắc).

Dự án đang được thẩm định để trình phê duyệt. Trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, chủ đầu tư tiếp tục phối hợp, báo cáo các cơ quan quản lý văn hóa nhằm bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

(Nguồn: Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội)

Đức Huy