Cần hiến định rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền và viên chức nhà nước

Chính trị - Ngày đăng : 06:43, 18/04/2013

(HNM) - Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chức năng và nhiệm vụ của cơ quan công quyền, viên chức nhà nước có vai trò rất quan trọng.



Các cơ quan công quyền và viên chức không chỉ gương mẫu trong tổ chức thực hiện mà còn tuyên truyền, vận động và tổ chức cho các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, các cơ quan công quyền cũng như viên chức còn phải chăm lo đến đời sống, giải quyết những vướng mắc và phản ánh đầy đủ nguyện vọng chính đáng của người dân lên cơ quan cấp trên, theo đúng chức năng và nhiệm vụ được phân công. Đây là yếu tố căn bản để cơ quan công quyền và viên chức thực sự trở thành "công bộc" của dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Vì vậy, trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần hiến định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan công quyền và viên chức nhà nước. Cụ thể, Điều 8, nội dung 1 nên bổ sung cụm từ "trách nhiệm thuộc về người đứng đầu" sau cụm từ "thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ". Chỉ có hiến định rõ nội dung này mới đề cao được trách nhiệm cá nhân, hạn chế được sai lầm và khuyết điểm; khi cá nhân có khuyết điểm, sai lầm khó đổ lỗi cho tập thể và cơ chế, điều này cũng dễ kiểm điểm và xác định rõ trách nhiệm từng chức danh. Nội dung 2 nên sửa: Nền hành chính quốc gia được tổ chức đúng biên chế, hoàn thiện chế độ công vụ để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải qua thi tuyển và kiểm tra theo định kỳ; tuyệt đối trung thành với Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân; tôn trọng và chịu sự giám sát của nhân dân, làm sai phải bồi hoàn thiệt hại; trù dập cấp dưới, ức hiếp nhân dân, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, tiếp tay cho buôn lậu phải bị truy tố trước pháp luật. Hiến định rõ nội dung này, các cơ quan công quyền mới có cơ sở để thực hiện đúng biên chế và quy chế làm việc; đồng thời tuyển chọn được người tài, nâng cao được phẩm chất và đạo đức; năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, hiệu quả giải quyết công việc của các cơ quan công quyền. Bên cạnh đó, còn giúp cho cán bộ và công chức luôn gần dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, giải quyết những nguyện vọng và lòng mong đợi chính đáng của nhân dân, gắn chặt dân với nước, nước với dân.

Thực tế thời gian qua, đã có chỉ thị, nghị định về chấn chỉnh tổ chức và biên chế, nhưng nhiều cơ quan công quyền số lượng vẫn dư thừa, quy chế làm việc không được thực thi nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả giải quyết công việc không cao, thời gian kéo dài. Không ít người khi tới cơ quan thời gian làm việc thì ít, ngồi chơi thì nhiều... và theo thống kê chưa đầy đủ, có tới 30% cán bộ, công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về. Những tồn tại trên đã làm mất đi tính nghiêm túc của cơ quan công quyền, niềm tin của nhân dân, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả làm việc của cơ quan công quyền và viên chức, cần thực hiện tốt công tác thi tuyển và kiểm tra định kỳ. Trong thi tuyển và kiểm tra phải tiến hành một cách công khai và dân chủ, để lựa chọn đúng những người có đủ đức, tài, đáp ứng nhu cầu công việc, sắp xếp đúng vị trí, bổ nhiệm đúng chức danh. Đây là cơ sở để nâng lương, khen thưởng, đáp ứng đủ nhu cầu về đời sống cũng như sinh hoạt của cán bộ, công chức, viên chức; chấm dứt tình trạng mua bằng, "chạy chức", "chạy quyền" như Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) đã nêu.

Cùng với nâng cao phẩm chất, năng lực và chăm lo đời sống cán bộ, viên chức, Hiến pháp cần hiến định rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền và viên chức nhà nước, phải tôn trọng và chịu sự giám sát của nhân dân, khi đưa ra những quyết định sai trái phải bồi hoàn thiệt hại. Đây là yếu tố cơ bản để cơ quan công quyền và viên chức gần dân, tôn trọng, tiếp thu ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. Trước khi đưa ra các quyết định của mình, các cơ quan công quyền và viên chức phải nghiên cứu, tính toán, hạn chế không để xảy ra sai sót do thiếu trách nhiệm, gây tổn thất cho công quỹ Nhà nước, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, hoặc lợi dụng chức quyền để tham ô, nhận hối lộ... Cơ quan và viên chức nhà nước có hành vi ức hiếp nhân dân, tham nhũng, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, buôn lậu, trốn thuế... phải xác định là tội danh để truy tố trước pháp luật. Làm được như vậy sẽ giữ vững được kỷ cương phép nước, nâng cao trách nhiệm của cơ quan công quyền và viên chức, hạn chế được những nhược điểm yếu kém hiện nay, giữ vững niềm tin của nhân dân, tạo sức mạnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PGS-TS Bùi Thanh Sơn