Tăng phản biện, giảm “xuôi chiều”
Chính trị - Ngày đăng : 06:39, 18/04/2013
Tuy nhiên, tại hội nghị chuyên đề về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thẩm tra do Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội tổ chức cho thấy, tình trạng thẩm tra chung chung, né tránh, xuôi chiều, ít tính phản biện đã và đang diễn ra...
Thẩm tra là một nhiệm vụ quan trọng của các ban HĐND nói chung và Ban Pháp chế HĐND các cấp nói riêng và đã được luật hóa. Nếu làm tốt, công tác thẩm tra báo cáo, tờ trình trước khi trình kỳ họp HĐND có tác động thiết thực giúp nâng cao chất lượng, kết quả kỳ họp, qua đó góp phần khẳng định vị trí, vai trò của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Tuy nhiên, tại TP Hà Nội, cả ba giai đoạn của quá trình thẩm tra hiện nay gồm: Công tác chuẩn bị, công tác tổ chức và tổng hợp báo cáo thẩm tra đều chưa đạt kết quả như mong muốn. Đáng chú ý, tình trạng né tránh, ngại va chạm, chưa mạnh dạn trong công tác thẩm tra còn diễn ra phổ biến.
Theo quy trình, để chuẩn bị cho việc thẩm tra, Ban Pháp chế HĐND có thể cử thành viên tham gia nghiên cứu dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, yêu cầu cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan cung cấp tài liệu về vấn đề thẩm tra. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, Ban ít có điều kiện tham dự thẩm tra các văn bản ngay từ khi mới xây dựng. Cũng có trường hợp gần đến kỳ họp, UBND các cấp mới xin thông qua báo cáo, đề án và dự thảo nghị quyết không có trong danh mục ban hành nghị quyết đã được HĐND thông qua nên việc soạn thảo văn bản thường cập rập và cơ quan thẩm tra bị động trong thẩm định chất lượng văn bản. Vì vậy, không ít trường hợp thẩm tra trên cơ sở phụ thuộc vào sự chuẩn bị của UBND, các cơ quan chức năng nên không thể hiện được quan điểm, chính kiến của cơ quan thẩm định mà thay vào đó là sử dụng cụm từ quen thuộc "Ban hoàn toàn nhất trí như tờ trình"!.
Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam đánh giá, hoạt động thẩm tra hiện nay vẫn còn nội dung mang tính xuôi chiều, thống nhất với nội dung tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết của các cơ quan trình HĐND, dẫn đến chất lượng thẩm tra có phần chưa sâu, đặc biệt là việc giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc liên quan đến đất đai, thực hiện các dự án. Cùng chung nhận định trên, đại diện Ban Pháp chế HĐND huyện Mê Linh bổ sung, nhiều nội dung do các cơ quan chuẩn bị để trình kỳ họp HĐND thường gửi chậm, không bảo đảm thời gian luật định nên không đủ thời gian thẩm tra toàn diện, kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, lực lượng thẩm tra còn mỏng, phương pháp thẩm tra còn đơn điệu, việc mời các cơ quan chuyên sâu hay chuyên gia tham gia thẩm tra còn ít. Hoạt động điều tra, khảo sát thực tế chưa nhiều cũng là những hạn chế khiến công tác thẩm tra còn chung chung, né tránh và thiếu tính phản biện.
Để nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo, nhiều ý kiến đề nghị cần đề cao tính xây dựng, gợi mở, tính phản biện trong nội dung thẩm tra, khắc phục tính hình thức, sự né tránh khi thẩm định. Kết quả thẩm tra không phải là bản "hòa tấu" thống nhất ý kiến giữa các cấp chính quyền, ban, ngành mà cần đi thẳng vào các yếu tố khiếm khuyết, hạn chế để từ đó hoàn thiện văn bản, bảo đảm yêu cầu, chất lượng. Nội dung thẩm tra phải khách quan, đầy đủ, thể hiện rõ trách nhiệm, quan điểm và chính kiến của cơ quan thẩm tra. Quan trọng hơn, một bản báo cáo thẩm tra có chất lượng không chỉ giàu tính phản biện mà còn phải hiến kế, đề xuất, bổ sung nội dung và các giải pháp thiết thực để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách nhà nước trên địa bàn.