Bài 3: Chiến thắng nhờ sức mạnh đoàn kết dân tộc
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:46, 17/04/2013
Nhà Trần, ngoài những vị tướng xuất thân hoàng tộc như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Trần Khát Chân, Trần Quốc Toản… còn có những tướng tài áo vải, xuất thân thường dân nhưng đã một lòng, một dạ phò tá nhà Trần, cùng Hưng Đạo Vương lập nên chiến thắng ba lần chống quân Nguyên, trong đó có trận thủy chiến Bạch Đằng lẫy lừng năm 1288. Trong lịch sử giữ nước Việt ta, chỉ dưới trướng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mới có nhiều tướng tài xuất thân là dân thường đến thế. Họ là Nguyễn Khoái, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô… cảm kích tài năng, đức độ của Hưng Đạo Đại Vương mà trở thành gia tướng trung thành, cùng ông lập nên những chiến công hiển hách.
Cây cọc được làm từ cột nhà sàn của người dân hiện được trưng bày tại Bảo tàng Bạch Đằng. |
Ít ai biết rằng huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, là ghép tên riêng của một vị danh tướng nhà Trần và tên riêng của vùng đất quê ông. Tài liệu chính sử ghi chép về Nguyễn Khoái không nhiều, chỉ biết ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hồng Châu, từ nhỏ có sức khỏe hơn người. Truyền thuyết kể lại, một lần Nguyễn Khoái đi làm đồng về, gặp hai con trâu đánh nhau chắn ngang đường. Chàng trai bỏ đòn gánh xuống, tiến lại, mỗi tay cầm sừng một con trâu đẩy ra hai phía. Trước sức mạnh của cậu, hai con trâu đành ngoan ngoãn lùi lại. Thời đó, vùng đất Hồng Châu, nạn cướp bóc hoành hành khiến dân chúng vô cùng lo lắng, Nguyễn Khoái đã ra tay dẹp yên. Uy dũng hơn người vang đến tận kinh sư, Nguyễn Khoái được vời vào cung, chỉ huy đội quân Thánh Dực chuyên bảo vệ vua và Thượng hoàng. Trong trận quyết chiến Bạch Đằng, đội quân do Nguyễn Khoái chỉ huy được Hưng Đạo Vương giao nhiệm vụ tấn công, chia cắt đội hình giặc. Chiến thuyền dũng mãnh của đạo quân Thánh Dực khiến giặc hốt hoảng, vừa cố sức chống đỡ vừa tìm đường tháo chạy và vướng vào bãi cọc đã được chuẩn bị công phu từ trước. Một năm sau chiến thắng Bạch Đằng, vua ban thưởng cho các tướng có công đánh giặc, Nguyễn Khoái được phong tước hầu và được cấp hẳn một hương (hương Khoái lộ thuộc tỉnh Hưng Yên). Đây là ngoại lệ vì Nguyễn Khoái là một trong số ít người không thuộc hoàng tộc được hưởng đặc ân này.
Danh tướng Phạm Ngũ Lão (1255-1320), sử sách ghi ông người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương. Ông gặp được vị minh chủ của mình trong một cuộc hội ngộ ấn tượng: Một lần, Hưng Đạo Vương cùng tùy tùng đi ngang qua Đường Hào, thấy Phạm Ngũ Lão ngồi bên vệ đường đan sọt. Quân lính kéo đến dẹp lối đi, Phạm Ngũ Lão vẫn thản nhiên ngồi. Lính cầm giáo đâm vào đùi ông chảy máu, vẫn không thấy Phạm Ngũ Lão nhúc nhích liền tâu với Hưng Đạo Vương. Thấy lạ, Vương đến gần hỏi chuyện, lúc này Phạm Ngũ Lão mới ngẩng đầu tâu rằng, vì mình đang mải nghĩ đến một câu trong binh thư nên không để ý. Trần Hưng Đạo liền mời ông cùng lên kiệu về dinh. Sau đó, Phạm Ngũ Lão trở thành gia tướng của Hưng Đạo Vương, cùng vua tôi nhà Trần lập công lớn trong hai lần chống quân Nguyên xâm lược, hiển hách nhất là chiến công bày trận phục kích đường rút lui của giặc trên sông Bạch Đằng, truy kích cánh quân của Thoát Hoan trên đường bộ. Sau này ông được Hưng Đạo Vương tin yêu mà gả con gái cho.
Một tùy tướng khác được Hưng Đạo Vương trọng dụng là Yết Kiêu, quê ở làng Hạ Bì, huyện Gia Phúc, nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Nhà rất nghèo, ngày ngày phải lặn lội ven sông mò cua, bắt cá, vì vậy Yết Kiêu có tài bơi lặn giống như một loài thủy tộc. Được Hưng Đạo Vương tin dùng, Yết Kiêu thường lặn xuống sông sâu, dùng dùi sắt chọc thủng không biết bao nhiêu thuyền chiến của giặc, nhiều lần bị giặc bắt nhưng nhờ tài bơi lặn và sự mưu trí mà thoát chết trong gang tấc. Ngày nay tại đền Trung Cốc, phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh tướng Yết Kiêu được nhân dân trong vùng thờ phụng cùng với minh chủ của mình - Hưng Đạo Đại Vương và hai vị tướng tài khác là Phạm Ngũ Lão và Dã Tượng - vị tướng có tài thuần phục voi rừng thành voi chiến…
… đến chiến công của những người dân
Những ngày ở lại vùng đất thiêng Bạch Đằng, chúng tôi không chỉ được bà con trong vùng đưa đến những đền, miếu thờ các vị tướng tài của Hưng Đạo Vương mà còn được nghe nhiều câu chuyện về những người dân thường trong vùng đã có công lớn góp phần vào chiến thắng Bạch Đằng vang dội. Thần tích các làng và gia phả một số dòng họ vùng đất Bạch Đằng cũng còn lưu giữ rất cụ thể những câu chuyện này. Ở Phả Lễ, Phục Lễ thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, có hai anh em ruột Trần Hộ và Trần Độ đã chỉ huy dân làng lập thành đội dân binh ngày đêm luyện tập trên sông. Trai làng Đoan Lễ, xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, do Lý Hồng đứng đầu, rèn giáo mác theo Hưng Đạo Vương đánh giặc. Vũ Nguyên, người làng Do Lê, xã Tam Hưng, nhà rất nghèo, ngày ngày làm thuê nuôi mẹ già, có sức vóc hơn người, có lòng yêu nước. Khi nghe tin Hưng Đạo Vương bài binh bố trận trên sông Bạch Đằng, ông đã từ biệt mẹ già, động viên dân làng theo Vương đánh giặc. Còn có nhiều người dân làng Tràng Kênh, Thủy Nguyên tham gia làm liên lạc cho quân, trong đó có ông bà Lủi. Không ai biết tên thật của ông bà là gì, sở dĩ dân làng gọi họ là Lủi vì công việc liên lạc, đưa tin và truyền lệnh đòi hỏi phải nhanh chóng và bí mật, phải len lỏi theo đường mòn trong những cánh rừng già hai bên sông vô cùng nguy hiểm…
Cho đến ngày nay, hình ảnh vị tướng Trần Hưng Đạo cưỡi ngựa men theo bờ khe, lần bên từng mỏm đá tai mèo nhấp nhô, trầm ngâm nhìn dòng Bạch Đằng chảy xiết trong cái lạnh cóng của gió mùa đông bắc vào mùa xuân năm Mậu Tý 1288 vẫn là hình ảnh xúc động, tự hào mà những người già trong làng Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên, kể cho con cháu nghe. Để động viên người dân vùng này quyết tâm giết giặc, Hưng Đạo Vương đã trao cho quân dân nơi đây một lá cờ và một thanh kiếm. Đó cũng là xuất xứ của tên làng Lưu Kiếm ngày nay. Đây cũng là địa danh đã diễn ra trận Trúc Động, một trận đánh có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm chặn địch, bảo vệ cho trận địa Bạch Đằng. Trần Hưng Đạo chủ trương đánh trận này cốt không để cho giặc lọt qua sông Giá vì nếu qua được sông này thì lực lượng và trận địa bố trí của ta ắt bị lộ. Trận Trúc Động là trận phục kích diễn ra vào ban đêm. Theo truyền thuyết, trận này quân ta tuy ít nên dùng nghi binh, vừa chặn đánh vừa hư trương thanh thế lừa địch. Kế hoạch được chuẩn bị chu đáo nhờ sự góp sức của người dân địa phương. Trước đó, mỗi gia đình nộp cho quân đội nhiều mo cau có trát cơm và các bè chuối. Khi được tin giặc sắp kéo đến, quân ta đóng trên núi đã thay đổi quần áo và cờ lệnh 5 lần với màu sắc khác nhau, lại thả rất nhiều mo cau và thân chuối trôi đầy sông. Đêm tối, đèn đuốc đốt sáng trưng, chiêng trống khua ầm ĩ, quân ta chặn đánh phía trước, hai bên, tên bắn xuống như mưa khiến giặc không kịp trở tay. Địch tưởng quân ta đông, mai phục nhiều nên rất hoang mang, lo sợ. Trận Trúc Động diễn ra đúng với dự kiến của Hưng Đạo Vương vì nếu giặc đến sớm hay muộn hơn thời gian dự kiến thì trận địa cọc ngầm sẽ không phát huy tác dụng.
Để có chiến thắng vang dội, nhân dân các làng vùng sông Bạch Đằng từ bến Đụn đến Điền Công, Yên Giang đã phối hợp với quân nhà Trần khẩn trương chuẩn bị cho một cuộc chiến gian khổ và quyết liệt. Ngoài việc cung cấp lương thực, vũ khí cho dân binh, nhân dân còn lấy bè nứa, thuyền nan của mình chất đầy củi khô, dầu trám làm chất đốt chuẩn bị cho chiến thuật hỏa công trong trận đánh. Và để có những bãi cọc lớn làm mồ chôn thuyền giặc, chắc chắn công sức của những người dân địa phương đã đóng góp không nhỏ trong việc vào rừng chọn gỗ, gia công, vận chuyển và cùng quân sĩ đóng dưới lòng sông sâu.
Hiện nay, trong Bảo tàng Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên đang trưng bày một cây cọc lấy ở bãi cọc Đồng Vạn Muối, được các nhà nghiên cứu khẳng định đó là cột của một ngôi nhà sàn. Người dân vùng Bạch Đằng xưa đã dỡ nhà để lấy gỗ xây dựng trận địa cọc.