"Lực lượng đặc biệt" bảo vệ biên cương

Đời sống - Ngày đăng : 05:40, 17/04/2013

(HNM) - Trong rất nhiều chiến công của bộ đội Biên phòng thời gian qua luôn có sự đóng góp rất lớn của một

Một buổi luyện tập của các học viên đặc biệt. Ảnh: Trọng Hải


Một ngày ở Trường Trung cấp chó nghiệp vụ Biên phòng 24 bắt đầu từ 5h sáng. Ngay sau tiếng kẻng báo thức, cùng với tiếng hô tập thể dục của CBCS là tiếng sủa rộn ràng của hàng trăm "học viên " đặc biệt.

Những chú chó được nuôi dưỡng, huấn luyện tại đây hầu hết là chó béc giê lai tạo, khỏe, linh hoạt và rất hung dữ. Trong huấn luyện, cả huấn luyện viên và đội ngũ "học viên" đặc biệt này đều phải tuân thủ nghiêm kỷ luật, kiên trì và sáng tạo. Thượng úy Nguyễn Bá Kiên, người có thâm niên huấn luyện chó nghiệp vụ của trường cho biết: Huấn luyện viên phải tuyệt đối tuân thủ bài giảng và phương pháp, quy trình huấn luyện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, giữ đúng nguyên tắc không nóng vội, không gây ức chế cho "học viên". Đặc biệt, công việc đặc thù này luôn yêu cầu huấn luyện viên cần cù sáng tạo, tìm phương pháp huấn luyện tối ưu để phát huy tốt nhất khả năng của "học viên". Thực tế là những chú chó nghiệp vụ qua huấn luyện tại Trường Trung cấp chó nghiệp vụ Biên phòng 24 đã đảm nhận và hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau như chiến đấu, truy lùng, bảo vệ mục tiêu, cắn bắt, dẫn giải đối tượng, tuần tra bảo vệ biên giới, giám biệt nguồn hơi hỗ trợ điều tra hình sự, phát hiện các chất ma túy, thuốc nổ và tìm kiếm cứu nạn… Chất lượng đội ngũ huấn luyện viên và chó nghiệp vụ của nhà trường ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, vừa trực tiếp tham gia tuần tra bảo vệ biên giới, cùng với bộ đội phát hiện, đấu tranh, trấn áp tội phạm. Đó là kết quả của một quá trình khổ luyện, đầu tư nhiều công sức của đội huấn luyện viên cũng như lãnh đạo nhà trường.

Để các tình huống, thao trường tập luyện luôn sát với thực tế, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên, các chú chó đều phải trải qua các bài tập rất khắc nghiệt: Vượt qua hệ thống vật cản như cầu độc mộc, cầu thang cao, hàng rào sắt, vòng lửa, lỗ châu mai, rào mái nhà, hố dài, hầm ngầm, ô tô... Sau khi được huấn luyện tại trường (từ 12 đến 18 tháng), chó sẽ đi thực thi nhiệm vụ ở các đồn biên phòng. Thượng úy, Huấn luyện viên Đào Duy Hà, người từng có nhiều kinh nghiệm trong huấn luyện chó nghiệp vụ cho biết: Đội quân chó nghiệp vụ còn là trợ thủ đắc lực trong nhiều cuộc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, nhất là các vụ sạt lở đất, đá đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình là vụ tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sập mỏ đá ở Tương Dương (Nghệ An). Vị trí sâu nhất mà chó nghiệp vụ tìm thấy nạn nhân là 13m. Gần nhất là trong vụ sập bãi thải mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), nhờ sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ nên đội tìm kiếm đã xác định và tìm được cả 5 thi thể.

Vừa qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã đưa chó nghiệp vụ ra quần đảo Trường Sa để bảo vệ biển, đảo và kết quả là chó nghiệp vụ đã thích ứng rất nhanh.

Đại tá Phạm Văn Thùy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay BĐBP có khoảng 2.000 chú chó nghiệp vụ làm nhiệm vụ ở các đồn biên phòng, cửa khẩu, kho tàng giáp biên và nhiều mục tiêu quan trọng khác. Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh BĐBP, chó nghiệp vụ đã góp nhiều chiến công, nhất là phá các vụ án ma túy đặc biệt nghiêm trọng. Chính vì thế, giờ đây, chó nghiệp vụ đã trở thành lực lượng đồng hành của bộ đội quân hàm xanh trên mọi nẻo đường thi hành nhiệm vụ. Trong thành công đó, công đầu thuộc về những CBCS, huấn luyện viên của Trường Trung cấp chó nghiệp vụ Biên phòng 24.

Huy Nam