Giảm thuế TNDN: Cú hích giúp doanh nghiệp hồi sức
Kinh tế - Ngày đăng : 05:21, 17/04/2013
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, một trong những nội dung đáng chú ý nhất đối với cộng đồng DN trong lần sửa đổi Luật thuế TNDN lần này là mức thuế suất sắp tới sẽ là bao nhiêu. Hiện tại, mức thuế suất phổ thông là 25% và Ban soạn thảo từng cân nhắc, xin ý kiến cộng đồng DN theo hướng sẽ giảm xuống 23%, lộ trình thực hiện từ 1-1-2014 (thời điểm dự kiến luật có hiệu lực). Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế trong nước đang tăng trưởng chậm so với dự báo, khả năng hấp thụ vốn của DN yếu, Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong đó quy định, từ 1-7-2013, giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20% đối với DN sử dụng dưới 200 lao động; áp thuế suất 10% đối với thu nhập từ các hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội của DN thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội; giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở xã hội đối với giao dịch phát sinh từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014; đồng thời, giảm 30% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 phát sinh từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014… Giải trình để bảo vệ mức giảm thuế nêu trên, Thứ trưởng Vũ Thị Mai viện dẫn tính toán của Bộ Tài chính, cứ giảm 1 điểm phần trăm mức thuế suất, ngân sách sẽ giảm thu 6.000 tỷ đồng. Nếu giảm tới 5 điểm phần trăm so với mức thu hiện hành thì ngân sách sẽ giảm thu tới 30.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu chính sách mới đưa ra mức giảm thuế mạnh sẽ ảnh hưởng đến cân đối ngân sách. Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện các giải pháp về thuế nêu trên ước làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2013 khoảng 2.647 tỷ đồng, trong đó giảm thu từ thuế TNDN khoảng 2.372 tỷ đồng và giảm thu từ thuế giá trị gia tăng khoảng 275 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. |
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Đồng tình với giải trình của đại diện Bộ Tài chính, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, vấn đề không phải tính toán là giảm thuế thì ngân sách "mất" bao nhiêu mà phải tính toán là giảm thuế sẽ tác động đến sản xuất, kinh doanh như thế nào. Ví dụ, với mức giảm thuế như vậy thì năm đầu ngân sách sẽ giảm thu bao nhiêu nhưng năm sau sẽ tăng thu bao nhiêu, các DN mở rộng sản xuất kinh doanh thế nào, kích thích sản xuất phát triển ra sao… Theo ông Phan Trung Lý, đây chưa phải chính sách ưu việt nhất, vì khó khăn hiện nay của DN là xử lý hàng tồn kho, khó hấp thụ vốn và nợ xấu.
Dù khi thẩm tra dự luật, báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đồng ý với mức thuế suất và lộ trình mà Chính phủ đã nêu, đề nghị thực hiện ngay từ ngày 1-7 và coi như một "chìa khóa" để hồi sức cho DN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh, đây chỉ là giải pháp ban đầu. Với mức giảm thu ngân sách nêu trên, e rằng chính sách này vẫn chưa tạo được sức lan tỏa với các DN gặp khó khăn. Theo ông Phùng Quốc Hiển, Chính phủ phải hóa giải khó khăn cho DN bằng lộ trình cụ thể, bắt đầu từ việc lên kế hoạch nhận diện đối tượng "giải cứu", đến hoàn thiện thể chế chính sách liên quan. Riêng gói giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, sẽ giúp hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm tải lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản. Nhưng những đối tượng mua được căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đều là những người chưa có thu nhập cao. Do vậy, cần quy định theo hướng: Giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, không phân biệt nhà ở xã hội và nhà ở thông thường.
Cơ bản đồng tình với các đề xuất của Bộ Tài chính, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng không cần ban hành Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho DN mà quy định các nội dung trên ngay trong Luật thuế TNDN. Chủ tịch QH lưu ý, Bộ Tài chính cần cân nhắc mức thuế suất chung 22% cho DN từ 1-7 thay vì chỉ áp dụng riêng với DN vừa và nhỏ; đồng thời, cần tính đến việc miễn thuế cho các dự án đầu tư vào các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có lộ trình giảm thuế dài hơn nữa để DN chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh.