Đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội: “Bắc nước” chờ… dự báo!
Giáo dục - Ngày đăng : 07:31, 16/04/2013
Trong những nguyên nhân của thực trạng nói trên không thể không nhắc tới sự yếu kém của công tác dự báo nguồn nhân lực để giúp cho công tác đào tạo đi đúng hướng, đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như giúp TS có định hướng nghề nghiệp vững vàng.
Đề án “Hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia” sẽ giúp cho công tác đào tạo nhân lực theo kịp nhu cầu xã hội. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo một chuyên gia dự báo nhu cầu nhân lực, ở các nước, mỗi năm, các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phải có sự trao đổi thông tin về nhu cầu nhân lực và đào tạo của mỗi bên. Còn ở nước ta, các trường thường chỉ biết đào tạo, không nắm rõ nhu cầu nhân lực từng ngành nghề và cũng không biết trách nhiệm thuộc về ai. Thông tin hướng nghiệp không tốt dẫn đến hiện tượng đa số học sinh không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, phần lớn chọn một trường ĐH để có tấm bằng. Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng: Hiện nay, các cơ quan dự báo nguồn nhân lực còn yếu kém, không đưa ra con số cụ thể là ngành này cần bao nhiêu nhân lực trong một năm, 5 năm hay xa hơn, trong 10 năm, 15 năm. Hậu quả là quy mô phát triển của các trường chưa tương xứng với chất lượng đào tạo, không gắn với nhu cầu sử dụng dẫn đến đào tạo tràn lan, sinh viên ra trường không được sử dụng.
Trong phiên chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận, quy mô, cơ cấu đào tạo tại các trường ĐH, CĐ không khớp với nhu cầu của thị trường lao động, dẫn tới việc cử nhân thất nghiệp hàng loạt. Các trường ĐH, CĐ chỉ đào tạo những ngành mà trường có khả năng, chưa đào tạo những ngành xã hội cần. Đặc biệt, thời gian vừa qua, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh chủ yếu căn cứ vào năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH mà chưa tính tới nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội. Mới đây, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH, CĐ, TCCN và đề nghị các địa phương báo cáo số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp, tình hình và nhu cầu tuyển dụng nhân lực. Cùng với việc cảnh báo và tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang bão hòa, Bộ GD-ĐT đã kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực để định hướng các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu; đồng thời giúp người học có cơ sở lựa chọn ngành nghề dễ kiếm việc khi ra trường.
Lần đầu tiên có dự báo nhu cầu nhân lực?
Kiến nghị nói trên của Bộ GD-ĐT về việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đối với các bộ, ngành, địa phương là hoàn toàn sát với thực tế, song đó không phải là điều có thể thực hiện được trong "một sớm, một chiều". Theo các chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, khảo sát tại Trung tâm Phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo của chính Bộ GD-ĐT cũng cho thấy, việc dự báo nhu cầu đào tạo dựa trên nhu cầu của xã hội chưa được tiến hành một cách đầy đủ do hạn chế về số liệu. Chức năng, nhiệm vụ chính của trung tâm này vẫn chưa được thực hiện do có nhiều khó khăn trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đầu vào cho công tác dự báo. Các thông tin còn bất cập, chưa so sánh được với quốc tế, thiếu sự chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước. Nhiều thông tin phục vụ phân tích và dự báo chưa có, hoặc có nhưng chưa đầy đủ, cần phải điều tra bổ sung.
Theo các chuyên gia xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực (đã được Thủ tướng phê duyệt), khó khăn lớn nhất mà các bộ, ngành và địa phương gặp phải khi xây dựng bản quy hoạch này là thông tin liên quan đến nguồn nhân lực chưa đầy đủ và thiếu hệ thống. Thông tin phổ biến chỉ là một số số liệu công bố hằng năm của ngành thống kê, mà chưa có một cuộc điều tra tổng thể về nguồn nhân lực quốc gia. Do đó, việc nắm bắt được nhu cầu về nhân lực (số lượng, cơ cấu, trình độ) ở mỗi ngành, lĩnh vực và địa phương cho từng giai đoạn phát triển là hết sức khó khăn. Các kết quả dự báo và phân tích có độ chính xác và độ tin cậy không cao. Hầu hết cơ sở dữ liệu đầu vào hiện nay được lấy từ Tổng cục Thống kê, không thể thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu của công tác dự báo nhân lực. Mặt khác, các đơn vị làm công tác dự báo nguồn nhân lực hiện phụ thuộc chủ yếu vào nguồn dữ liệu từ bên ngoài mà chưa chủ động xây dựng được hệ thống thông tin của riêng mình và cập nhật thường xuyên, nên khó có thể dự báo bài bản và khoa học.
Tại Việt Nam, chưa từng có một hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia; chưa từng tiến hành việc dự báo nhu cầu nhân lực ở các ngành, các cấp và các địa phương theo đúng nghĩa. Vì thế, đề án "Hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia" do Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Bộ GD-ĐT và một số bộ, ngành khác xây dựng, được kỳ vọng sẽ khắc phục những điểm yếu trong công tác dự báo nguồn nhân lực hiện nay. Dự kiến, đề án với kinh phí thực hiện là 309 tỷ đồng, sẽ được vận hành thử nghiệm bắt đầu từ năm nay và chính thức hoàn thiện, đưa vào sử dụng năm 2015.