Chuyện của mẹ Sông

Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 16/04/2013

(HNM) - Toàn bộ số tiền tích cóp được, chị dành để san ủi mặt bằng, xây dựng nhà ở và xưởng dạy nghề, rồi đón trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi về chăm sóc, nuôi dưỡng.

Chị là Nguyễn Thị Sông, Giám đốc Trung tâm nhân đạo Thiên Phúc (ngõ 5, khu phố 1, phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Nhiều người thường gọi chị bằng hai chữ thân thương: mẹ Sông.

Sống ở trung tâm, người khuyết tật được chị Sông tạo mọi điều kiện xóa bỏ mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.



Em Lộc Văn Dũng sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Nông Sơn 3, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Bố mất sớm vì bệnh tim, bản thân em bị liệt tay phải, hai chân không vận động được. Mẹ Dũng "đầu tắt mặt tối" làm việc mà vẫn không nuôi nổi bốn miệng ăn. Chị Sông đã xin phép gia đình đón Dũng về chăm sóc, nuôi dưỡng. Ở trung tâm, Dũng được bố trí công việc cắt chỉ túi. Trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt, mỗi tháng Dũng để dành được gần 200.000 đồng. Số tiền tuy không nhiều nhưng thật ý nghĩa. Dũng không giấu nổi sự xúc động: "Mẹ Sông luôn quan tâm chăm sóc, dạy bảo cho chúng em. Nhờ có mẹ mà em thấy cuộc sống vẫn còn nhiều ý nghĩa".

Cách đây gần 30 năm, khi đang học năm thứ nhất Trường Đại học Y Hà Nội, tương lai phơi phới thì chị Sông không may mắc bệnh hiểm nghèo, người mỗi lúc một gầy, sức khỏe ngày càng yếu. Sau nhiều lần vào viện, ra viện vẫn không khỏi bệnh, chị quyết định ở nhà tự mua thuốc về uống. "Cái duyên đưa tôi đến với việc thiện cũng bắt đầu từ ngày tôi ở nhà tự chữa bệnh". Chị kể, hôm đó đang nằm nghỉ thì nghe thấy tiếng trẻ con khóc ở bờ suối trước cửa nhà. Dẫu đang rất mệt, nhưng chị vẫn gắng gượng ra xem. Nhìn đứa trẻ nhỏ xíu tím tái, người nóng vì lên cơn sốt, không đắn đo, chị bế về nhà nuôi dưỡng. "Không hiểu sao từ ngày đón cháu bé về chăm sóc, sức khỏe của tôi lại dần dần hồi phục. Có thế là do thuốc lúc đó mới ngấm hoặc do tôi phải chăm bé nên vận động nhiều, người khỏe lên, mà cũng có thể là do trời thương…" - Chị cười hóm hỉnh.

Sau khi sức khỏe hồi phục, chị Sông tham gia nhiều hơn vào những chuyến đi từ thiện. Những mảnh đời cơ nhỡ đến với chị cũng ngày một tăng. Mỗi lần đi ra ngoài làm việc, bắt gặp những đứa trẻ mồ côi hay khuyết tật không chốn nương thân, chị lại đem về cưu mang, coi như con ruột. Để các em có chỗ ăn ngủ tốt hơn, sau khi được chính quyền cho phép, năm 2009 chị đã thành lập Trung tâm Nhân đạo Thiên Phúc. Theo năm tháng, trung tâm mỗi ngày được mở rộng, trở thành ngôi nhà lớn dành cho trẻ khuyết tật, lang thang cơ nhỡ trên diện tích gần 5.000m2. Nhiều trẻ mồ côi, khuyết tật ở các tỉnh phía bắc như Lạng Sơn, Hải Dương, Quảng Ninh cũng tìm đến chị. Cứ như thế, chị Sông đã trở thành người mẹ hiền của những mảnh đời bất hạnh. Hiện chị đang nuôi dưỡng hơn 40 trẻ khuyết tật không nơi nương tựa. Ngoài ra, chị còn nhận bảo trợ cho 50 em mồ côi.

Nhờ sự chăm sóc chu đáo của "mẹ Sông", hầu hết các em ở trung tâm đều chuyển biến nhất định về thể chất, trí tuệ. Nhiều em có thể tự nuôi sống bản thân, tích lũy tiền gửi về gia đình. Không ít em đã học đại học, cao đẳng. Có em đã trở thành bác sĩ, có em là giáo viên. Nhiều em sau khi học nghề xong đã được chị Sông giúp đỡ mở cơ sở sản xuất riêng, tạo lập cuộc sống. Và đôi bàn tay của chị đã "se duyên" cho nhiều cặp khuyết tật, mồ côi xây dựng tổ ấm riêng. "Các cháu ở đây cháu nào cũng có hoàn cảnh hết sức đáng thương, không mồ côi thì cũng khuyết tật hoặc gia đình quá nghèo khó. Tôi coi các cháu như con mình, hy vọng các cháu có một mái ấm, một chỗ dựa để vươn lên", chị Sông cho biết.

"Một mình bươn chải lo cho các cháu khuyết tật. Đã bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi?" - Nghe tôi hỏi, chị Sông trầm ngâm: "Mệt mỏi thì cũng có nhưng chán nản thì không. Còn sống ngày nào là tôi lo cho các cháu ngày ấy". Nói rồi chị kể, đã từng có lúc trong nhà không còn đủ tiền để mua thức ăn cho các cháu, chị phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Để tăng thu nhập và giúp các con có nghề, chị Sông đã mở một nhà may, mời thầy về dạy. Sản phẩm của các em chủ yếu là túi dành cho các bà nội trợ để xuất khẩu. Thu nhập bình quân mỗi em từ 700 nghìn tới 1,5 triệu đồng/tháng. Đồng thời chị Sông còn giới thiệu các em tới làm việc tại các doanh nghiệp may uy tín trên địa bàn.

Đến nay, Trung tâm Nhân đạo Thiên Phúc đã hoạt động được 4 năm. Khoảng thời gian đó, chị Sông đã dạy dỗ, giúp đỡ cho biết bao em nhỏ bất hạnh. Chị bảo, chị không sợ khổ, sợ vất vả, chỉ mong các con xóa bỏ được mặc cảm, có thêm nghị lực tham gia học tập, lao động. Mong muốn lớn nhất của chị là tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội về vật chất và tinh thần để mở rộng, tiếp nhận nuôi dưỡng nhiều hơn nữa những mảnh đời bất hạnh.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh