Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong sự nghiệp CNH-HĐH Thủ đô
Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 16/04/2013
- Chương trình 02/TU triển khai trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng được sự vào cuộc tích cực và hiệu quả của cấp ủy, hệ thống chính trị, trong đó có Hội ND. Xin đồng chí đánh giá kết quả và thành tựu của Chương trình 02?
- Với hơn 63% dân số và 88,3% diện tích ở khu vực ngoại thành, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn xác định đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng. Để nâng cao đời sống cho hơn 4,2 triệu dân khu vực nông thôn, đồng thời phấn đấu đến năm 2015 có trên 40% số xã hoàn thành xây dựng NTM, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, người dân hiểu ý nghĩa, mục đích, xác định vai trò nông dân là chủ thể trong xây dựng và thụ hưởng thành quả NTM. Thành phố tập trung mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ xây dựng NTM. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã có nhiều sáng tạo huy động các nguồn lực xây dựng NTM trong đó có sự tham gia đóng góp tích cực của người dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân đã đóng góp hơn 420 tỷ đồng (năm 2012). Phong trào hiến đất, đóng góp ngày công, tiền của cho xây dựng NTM được các địa phương hưởng ứng nhiệt tình. Khi đi kiểm tra tại xã Tây Tựu (Từ Liêm), tôi thực sự xúc động khi nghe một phụ nữ cao tuổi quả quyết: “Nhà tôi tuy hẹp, nhưng vì để có đường rộng cho con cháu, tôi sẵn sàng hiến đất”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái trò chuyện về xây dựng nông thôn mới với người dân thôn Quý Giáp, xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Ảnh: Đỗ Chí |
Với những nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, đến nay đã có 236/401 xã cơ bản đạt 10-19 tiêu chí, trong đó 12 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí; toàn thành phố đã dồn điền đổi thửa được hơn 35.346ha. Nông thôn Thủ đô đã có thêm nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa được xây mới. Thu nhập bình quân của nông dân Hà Nội tăng lên 21,36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp còn khoảng 48% lao động xã hội là khẳng định cái đích của xây dựng NTM đang đến gần.
- Xin đồng chí đánh giá vai trò của các cấp Hội ND Hà Nội trong thực hiện Chương trình 02?
- Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình số 02, trong hơn hai năm qua, Hội ND TP đã vào cuộc rất tích cực và có những đóng góp thiết thực. Cán bộ Hội ND đã bám sát cơ sở để tuyên truyền giúp người nông dân hiểu mục đích, ý nghĩa, xác định trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM, thay vì trông chờ cấp trên. Bằng chứng, ngày càng có nhiều hộ dân tự nguyện góp công sức, tiền của, hiến đất mở đường xây dựng đường thôn xóm, đường nội đồng, công trình công cộng; tích cực hưởng ứng dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Cán bộ Hội ND cũng là lực lượng nòng cốt vận động bà con giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, giữ gìn bản sắc văn hóa... Ngay trong công tác đào tạo nghề, Hội ND TP phối hợp với các ngành triển khai đề án đào tạo, dạy nghề cho 11.343 lao động nông thôn; trong đó riêng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân của Hội dạy nghề cho hơn 1.000 lao động/năm, góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 42,1%.
- Có một điểm chung giữa Chương trình số 02 của Thành ủy với Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội ND Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020” theo tinh thần Kết luận số 61-KL/TƯ ngày 3-12-2009 của Ban Chấp hành TƯ Đảng, đó là khẳng định vai trò của Hội ND các cấp trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Vậy, xin đồng chí cho biết việc triển khai đề án này tại Hà Nội?
- Thực hiện Kế hoạch số 56-KH/TU của Thành ủy ngày 24-5-2012 triển khai thực hiện đề án sau gần một năm, thành phố đã thể hiện rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đáp ứng nguồn lực tài chính và các điều kiện cần thiết để Hội ND thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2012-2020; hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Năm 2012, UBND TP trích ngân sách bổ sung cho Quỹ hỗ trợ nông dân 75 tỷ đồng, nâng tổng số quỹ lên 362 tỷ đồng giúp hàng nghìn hộ nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Hội ND TP còn xây dựng 6 đề án: Hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân giai đoạn 2012-2015; thực hiện các hoạt động khuyến nông và phát triển các mô hình kinh tế tập thể; thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, giữ gìn và bảo vệ môi trường; Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động quỹ hỗ trợ; tăng cường công tác tuyên truyền và đầu tư trang thiết bị mạng thông tin về cơ sở... Trong quá trình xây dựng chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội ND đều được trực tiếp tham gia bàn bạc, triển khai. Tổ chức Hội ND cũng là đầu mối tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn… Những việc làm đó đã và đang được thành phố triển khai, nhằm phát huy vai trò của Hội ND các cấp trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
- Trước yêu cầu của thời kỳ mới, xin đồng chí cho biết nhiệm vụ trọng tâm của Hội ND các cấp để đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố?
- Là một tổ chức hội lớn với rất đông hội viên (553.000 hội viên), không riêng Chương trình số 02, Hội ND có vai trò quan trọng tham gia thực hiện các chương trình lớn cũng như giải quyết vấn đề tồn tại ở cơ sở, rất cần có những cán bộ hội giỏi nghiệp vụ, giàu nhiệt huyết và trách nhiệm. Các cấp hội cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt cần tham gia thực hiện thật tốt Chương trình 02, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả thời gian dài. Hội cần tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho hội viên đi đầu trong các phong trào dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp. Tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Cần đẩy mạnh các phong trào thi đua của phong trào nông dân, đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể, thiết thực, có chiều sâu tạo ra động lực mới khuyến khích nông dân làm giàu, phát triển kinh tế trang trại, đẩy mạnh kinh tế hợp tác phát triển hiệu quả. Thực hiện tốt phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Hội ND TP cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát cơ sở, nắm bắt và kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề hạn chế ở nông thôn, xứng đáng là tổ chức đại diện cho nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của nông dân Thủ đô.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!