Để nâng cao Chỉ số Tiếp cận đất đai của Hà Nội: Điểm chung cần phải có
Kinh tế - Ngày đăng : 05:54, 16/04/2013
Loạt bài "Nâng cao năng lực cạnh tranh: Nền tảng là cải cách hành chính" đăng tải trên Báo Hànộimới vừa qua đã tập trung làm rõ vấn đề này. Bài viết sau đây đi sâu phân tích chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất của Hà Nội - một trong 9 chỉ số thành phần để hình thành chỉ số PCI. Bên cạnh đó là suy nghĩ của người trong cuộc về chỉ số thành phần nêu trên.
Tháo gỡ khó khăn, bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất sẽ góp phần nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
Yếu tố khách quan
Năm 2012, chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất của Hà Nội tụt 4 bậc so với năm 2011 và xếp hạng cuối trong 63 tỉnh, thành phố (63/63). Như vậy, kể từ năm 2006 khi chỉ số PCI được điều tra trên toàn quốc, có 5 năm chỉ số này của Hà Nội đứng ở nhóm cuối bảng xếp hạng. Về khách quan, giá đất tại Hà Nội luôn cao nhất trong cả nước, do đó việc tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư, DN luôn là vấn đề mang yếu tố cạnh tranh cao khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu trong một địa bàn có số lượng DN chiếm 1/4 tổng số DN của cả nước. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng, điều kiện thời hạn thuê đất… có những vướng mắc chưa được giải quyết do hệ thống pháp lý còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản và không phù hợp với thực tiễn. Một cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Hà Nội nhẩm tính, từ khi Luật Đất đai năm 2003 được ban hành, trung bình mỗi năm có một nghị định hướng dẫn thi hành và phía dưới lại có hàng loạt thông tư của các bộ, ngành.
Mặt khác, từ ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954) tới nay, hệ thống hồ sơ địa chính đã quá cũ và lạc hậu, trong đó nhiều trường hợp thất lạc, hệ tọa độ có những sai lệch nhất định do tác động khách quan, cần điều chỉnh. Cùng với đó, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa hàng đầu của đất nước, tập trung số lượng lớn các đơn vị, DN. Đây là đặc điểm có tính lịch sử, không địa phương nào có được. Nay, để công tác quản lý đi vào quy củ cũng như để hoàn thành chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì yếu tố bắt buộc là phải xác minh, đo đạc diện tích thực tế… để hoàn chỉnh hồ sơ. Tuy nhiên, công việc này không nhận được sự chia sẻ của các đối tác. Một số DN thành lập mới cho rằng cơ quan chức năng gây khó khăn cho nhà đầu tư. Những đơn vị, cơ quan đã "yên vị" trên đất Thủ đô thì tìm mọi lý do để chùng chình vì có không ít vi phạm như lấn đất, chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích…
Và từ ngày 1-8-2008 Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính nhưng tới tháng 7-2011 Chính phủ mới chính thức phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Điều đó có nghĩa toàn bộ các quy hoạch phát triển không gian, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp. Những quy hoạch này có liên quan chặt chẽ tới định hướng thu hút nhà đầu tư, DN vào các khu, cụm công nghiệp tập trung (không khuyến khích thu hút các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các DN sử dụng nhiều đất đai…).
Trên đây là những yếu tố có tác động tới cảm nhận của các DN đã tham gia điều tra. Cụ thể, 87% số DN được khảo sát cho rằng nếu bị thu hồi đất DN không được bồi thường thỏa đáng và sự thay đổi của khung giá đất chưa phù hợp với thị trường; 76% DN gặp khó khăn về mặt bằng; 56,8% DN phải thuê mặt bằng để kinh doanh…
Công tác cải cách hành chính là nền tảng để Hà Nội nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Thanh Hải |
Yếu tố chủ quan
Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Hữu Nghĩa, còn rất nhiều yếu tố dẫn đến sự không thân thiện, khó chia sẻ của các đơn vị, DN. Điều đó dẫn đến hậu quả nhìn thấy là chỉ số thành phần liên quan đến hoạt động của ngành TN-MT Hà Nội đứng cuối bảng xếp hạng. Ví dụ như hồ sơ của các đơn vị, DN khi đến "tay" của Sở TN-MT được coi như là khâu cuối cùng trong quy trình hoàn tất các thủ tục. Nếu phải bổ sung hồ sơ thì dường như các đơn vị, DN phải thực hiện lại từ đầu, rất mất thời gian, trong khi đã phải chịu quá nhiều áp lực, dễ dẫn đến tâm lý bức xúc…
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận yếu tố chủ quan dẫn đến kết quả trên thuộc về đội ngũ cán bộ làm công tác này, trong đó thể hiện rõ nét nhất là sự trì trệ, thiếu năng động, sáng tạo; có những biểu hiện vô cảm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; thậm chí lợi dụng vị trí, quyền hạn được giao để gây sách nhiễu, khó khăn trong giải quyết công việc nhằm trục lợi…
Sau khi VCCI công bố chỉ số PCI của Hà Nội cùng kết quả điều tra các chỉ số thành phần, Sở TN-MT đã tổ chức kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính, đồng thời quán triệt tinh thần "Năm kỷ cương hành chính - 2013", chấn chỉnh tác phong làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, tăng cường tính công khai, minh bạch… Từng đơn vị kiểm tra, rà soát hồ sơ, văn bản của các tổ chức, cá nhân liên quan vướng mắc đối với ngành trong các lĩnh vực (nếu có), chủ động đề xuất biện pháp, cách thức giải quyết, hoàn thành trước ngày 17-4. Bên cạnh đó, sở cũng đã thành lập tổ công tác do một phó giám đốc phụ trách để kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện, đồng thời đánh giá cụ thể tình hình, nhanh chóng khắc phục những bất cập tồn tại nếu có. Đặc biệt, dự kiến từ ngày 18 đến 20-4, sở sẽ tổ chức hội nghị với Hiệp hội các DN Hà Nội và các sở, ngành liên quan để trực tiếp đối thoại với khoảng 50 DN đại diện cho các ngành, lĩnh vực sản xuất. Và như cung cấp của Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Hữu Nghĩa, sở đang hoàn tất những cung đoạn cuối cùng để bắt đầu từ tháng 5-2013 sẽ chính thức áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân. Toàn bộ việc giao dịch sẽ được thực hiện qua mạng điện tử, vừa giúp các tổ chức, cá nhân tiết kiệm thời gian đi lại, vừa chủ động phòng ngừa tiêu cực, phiền hà khi cán bộ giải quyết hồ sơ không trực tiếp tiếp xúc với các tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Vấn đề cuối, trong khi mục đích hàng đầu của các đơn vị, DN là hiệu quả kinh doanh, sản xuất thì mục đích hàng đầu của ngành TN-MT là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, do đó rất cần sự chia sẻ, chung tay tháo gỡ những khó khăn bất cập đang tồn tại. Đó là điểm chung cần thiết giữa các tổ chức, cá nhân với ngành TN-MT để có thể nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất của Hà Nội.