Ưu tiên xây dựng các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 05:45, 16/04/2013
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2014 được Chính phủ đề xuất triển khai 55 dự án, với 53 dự án luật, 2 dự án pháp lệnh. Đáng lưu ý, các dự án luật: Phá sản; Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; Hải quan (sửa đổi); Đầu tư (sửa đổi); Doanh nghiệp (sửa đổi); Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được đề nghị ưu tiên xem xét để đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.
Về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có thêm thời gian thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo; đồng thời, bổ sung 10 dự án vào chương trình chính thức năm 2013. Như vậy, sau khi điều chỉnh, tổng số dự án luật thuộc chương trình chính thức năm 2013 do Chính phủ trình là 38 dự án.
Sau khi xem xét tính cấp thiết từng dự án, UBTVQH giao Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh, báo cáo QH tại kỳ họp thứ 5 tới về dự thảo Nghị quyết của QH về miễn thi hành án đối với một số khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành. Về dự thảo Nghị quyết của QH sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp, theo quy định, thời hạn đăng ký lại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hết kể từ ngày 1-8-2011, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký lại. Nếu không được đăng ký lại, các doanh nghiệp này phải chấm dứt hoạt động sau khi kết thúc thời hạn ghi trên Giấy phép đầu tư. Do vậy, có thể kiến nghị QH xem xét để sửa đổi Điều 170 của Luật Doanh nghiệp bằng Nghị quyết của QH theo trình tự thủ tục rút gọn.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm tra cần rà lại tất cả các dự án đang trong quá trình chuẩn bị. Ngoài ra, cần lựa chọn xem sau khi Hiến pháp được ban hành những luật nào về tổ chức bộ máy Nhà nước cần sửa đổi đồng bộ với định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để đưa vào chương trình cần làm ngay. Với các dự án thiếu tính khả thi, chưa cấp thiết, điển hình là dự án Luật Hộ tịch, thì không đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2013.