Bắt được bệnh, có quyết chữa?
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:36, 16/04/2013
Qua báo chí, được biết một số tỉnh, thành phố khác cũng đã thành lập đoàn kiểm tra tới các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã thu thập chứng cứ và chấn chỉnh tình trạng công chức trễ nải việc công này. Việc làm đó tuy muộn nhưng là dấu hiệu tích cực. Vấn đề là có khắc phục được tận gốc tình trạng đó hay không?
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nước ta hiện có khoảng 2,8 triệu công chức, trong số đó chỉ có 30% hoàn thành trách nhiệm, còn 30% đứng cuối danh sách thuộc loại có cũng được, không có cũng được vì họ làm việc theo kiểu "sớm cắp ô đi tối cắp về" (lấy ý một câu thơ của Trần Tế Xương). Trong rất nhiều biểu hiện suy thoái đạo đức, vô kỷ luật, vô trách nhiệm ấy, có việc bớt xén giờ thực thi công vụ như ở Quảng Trị và không chỉ tỉnh này mới có tình trạng đó.
Những công chức đó nhìn chung đã sử dụng "tám giờ vàng ngọc" nghĩa là giờ công, giờ làm việc, được Nhà nước trả lương như thế nào: đi muộn về sớm ít nhất 30 phút đến 1 giờ (Nhà nước quy định 7h30 bắt đầu làm việc và chiều 16h30 mới tan sở nhưng trên thực tế, ngay các cơ quan trung ương, giờ làm việc luôn bắt đầu từ 8h và kết thúc vào 16h), buổi trưa được nghỉ 30 phút ăn trưa nhưng trên thực tế hầu hết công sở để công chức nghỉ ít nhất 2 giờ (từ 11h30 đến 13h30). Trong giờ làm việc, thời gian chờ cán bộ đi giao ban, gọi điện thoại riêng, trò chuyện, đi vệ sinh… chiếm ít nhất 1 tiếng rưỡi. Như vậy, với một cán bộ được coi là chăm chỉ, luôn có mặt "đúng giờ" ở công sở, mỗi ngày cũng chỉ làm việc nhiều nhất là 4 giờ. Nếu cộng thêm cả những ngày lễ tết, ngày nghỉ, ngày đi dự đám ma, đám cưới chung cả phòng, ngày nghỉ ốm, nghỉ cưới xin, thai sản, có việc riêng đột xuất… chia bình quân trong năm, mỗi công chức chỉ làm việc 3 giờ mỗi ngày trong khi Nhà nước phải trả lương và các chi phí khác cho 8 giờ mỗi ngày. Nếu kể đến những người hay la cà hàng quán, tụ họp liên hoan, gọi điện thoại riêng trong giờ làm việc, lấy cớ đi công tác nhưng thực ra là đi chơi, dành thời gian họp là để ngủ và làm việc riêng… số giờ làm việc chắc còn ít hơn.
Thói chơi nhiều làm ít, cộng với vấn nạn thủ tục hành chính phiền hà, thói quen sách nhiễu vòi vĩnh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "bôi trơn mà không chạy" được tổng kết lâu nay. Những thói xấu trên không chỉ làm thiệt hại tiền của của Nhà nước mà còn làm lãng phí thời gian của xã hội, gây khó cho dân, nhiều khi dẫn đến hỏng việc, chết người. Chuyện đã được đưa lên báo, ở một huyện thuộc tỉnh Quảng Trị, hơn 2h chiều, cửa UBND xã vẫn đóng kín, mặc cho hàng chục người dân sốt ruột chờ đợi. Giả sử lúc đó, có người cần xác nhận để đưa người thân đi cấp cứu, lên máy bay đi công tác thì sẽ ra sao? Những chuyện như thế có thể gặp ở nhiều nơi. Nhân đây, xin nói thêm nhiều ban, ngành đã tổ chức làm cả buổi sáng thứ bảy để dân đỡ phải chờ đợi, nhưng vào thời điểm đó, rất ít khách giao dịch. Sở dĩ có tình trạng trên vì có một nơi làm việc nhưng nhiều nơi khác lại nghỉ, cán bộ giải quyết công việc thì người có người không, có làm cũng dở dang nên người dân không đến chứ không hẳn việc không cần.
Nói vậy nhưng việc chấm dứt tình trạng bớt xén giờ công tưởng dễ mà rất khó. Trước hết, nó đã trở thành thói quen xấu ở một nơi nền hành chính đông mà không chạy việc, cồng kềnh mà kém hiệu quả. Thứ hai, do đồng lương không đủ sống, người ta phải dành thời gian lo những nguồn thu nhập khác. Thứ ba, từ đồng lương bất hợp lý, nảy sinh tâm lý tiêu cực, chỉ làm việc cầm chừng. Quan trọng hơn là do kỷ cương không nghiêm, dựa dẫm nhau "cả làng cùng toét (mắt) một mình gì em" không ai xử lý.
Tìm ra nguyên nhân là bắt đúng bệnh. Vấn đề còn lại là có quyết tâm chữa bệnh không hay lại đánh trống bỏ dùi.