Chung Thị Mỹ Lệ nhận trách nhiệm trong vụ cháy ITC
Pháp luật - Ngày đăng : 09:51, 26/05/2004
Ngày 25-5, TAND TP HCM thẩm vấn 2 bị cáo còn lại thuộc nhóm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ cháy tòa nhà ITC. Lời khai của nguyên Giám đốc trung tâm ITC, Chung Thị Mỹ Lệ, đã lý giải nguyên nhân tại sao tòa nhà "củi khô" vi phạm an toàn phòng cháy này vẫn nghiễm nhiên tồn tại giữa trung tâm thành phố.
Bị cáo Lệ khai, vai trò của mình chịu trách nhiệm quản lý công tác chung các hoạt động của ITC. 6 tháng trước khi vụ cháy xảy ra (4/2002) do ông Nguyễn Thành Mỹ, Phó giám đốc chuyển công tác lên Công ty vàng bạc đá quý thành phố (SJC) nên bản thân bà Lệ phải kiêm thêm phần việc phụ trách vũ trường, bảo vệ phòng cháy chữa cháy (PCCC)...
Chủ tọa phiên tòa hỏi Lệ: “Có nhận thấy trách nhiệm trong vụ cháy không?” Bị cáo bật khóc: “Là một giám đốc tôi đã cố gắng hết sức nhưng vẫn còn thiếu sót trách nhiệm. Qua phiên tòa tôi xin chia buồn sâu sắc gia đình những nạn nhân”. Theo bị cáo, từ khi quản lý ITC đã có nhiều nỗ lực thực hiện công tác PCCC như lập đội bảo vệ PCCC, mua bảo hiểm, thường xuyên nhắc nhở phòng cháy trong các cuộc họp giao ban hằng tuần và 1 ngày trước khi xảy ra hỏa hoạn đã có văn bản yêu cầu vũ trường Blue giải toả những nguyên vật liệu dễ cháy.
Cũng theo lý giải của bà Lệ, để thực hiện theo yêu cầu của Cảnh sát PCCC TP HCM thì gần như phải làm mới toàn bộ nội thất tòa nhà ITC. Nhưng đây là doanh nghiệp Nhà nước nên không có điều kiện tài chính thực hiện. Hơn nữa, từ năm 1997 UBND Thành phố đã có văn bản chuẩn bị di dời tòa nhà để liên doanh. Do đó, Ban giám đốc chỉ có thể thay dần vách ván ép, ốp gỗ từ lầu 1 đến 5 và làm lại trần bằng thạch cao, sợi thủy tinh và sơn chống cháy, dỡ bỏ những vật cản lối thoát hiểm.
HĐXX chất vấn, tại sao cửa thoát hiểm bị khoá theo biên bản của Cảnh sát PCCC ghi nhận trong một lần kiểm tra? Lệ cho biết, khi vũ trường hoạt động thì cả 3 cửa thoát hiểm vẫn mở nhưng không hiểu vì sao ngay ngày bị kiểm tra thì lại khoá (!). Bị cáo Lệ còn khẳng định, sau vụ cháy Cảnh sát PCCC đến kiểm tra và kết luận, hệ thống báo cháy, nước chữa cháy hoạt động bình thường, cửa thoát hiểm mở.
Điều này, trái ngược với lời thuật của một học viên công ty bảo hiểm AIA bị thương đến dự phiên toà. Theo đó, những người ở tầng trên không hề nhận được tín hiệu báo cháy, chỉ khi có người thông báo và khói tràn lên thì cả tầng 3 đã cháy dữ dội, không còn đường thoát xuống.
Mặc dù, Phòng Cảnh sát PCCC có công văn kiến nghị khi cải tạo, thay đổi công năng tòa nhà thì phải thông báo để được hướng dẫn các biện pháp an toàn PCCC. Nhưng theo Lệ, việc sửa chữa vũ trường Blue chỉ là chỉnh trang nâng cấp không cần thiết báo cho các cơ quan chức năng.
Bị cáo Lưu Nhật Tuấn (quản lý vũ trường Blue) khai, có lần Nguyễn Trọng Cường (Trưởng ban quản lý) dẫn một người đến giới thiệu là anh Dũng, cảnh sát PCCC và yêu cầu Tuấn đưa cho Cường 500.000 đồng để bồi dưỡng. Cường xác nhận, việc đưa tiền chỉ do tình cảm cá nhân, không hề có sự ép buộc.
Bị cáo Lê Ngọc Thủy trả lời nhát gừng từng câu hỏi của HĐXX. Theo Thủy mọi việc điều hành vũ trường đều do chồng là Nguyễn Văn Phương. Còn bản thân chỉ là Phó ban quản lý Blue trên danh nghĩa. Thủy cũng cho rằng chưa từng ký giấy cam kết chịu trách nhiệm về công tác PCCC ở vũ trường như hồ sơ truy tố.
Theo lời Chung Thị Mỹ Lệ, việc bán tư cách pháp nhân kinh doanh vũ trường ở ITC đã truyền qua nhiều đời. Khi Trung tâm ITC nhận bàn giao vũ trường này từ Công ty Cosevina thì vẫn tiếp tục ký hợp đồng sử dụng tay nghề với ông Lâm Chấn Kỳ, sau đó là ông Tiết Cẩm Quyền, rồi Lê Ngọc Thủy. Chuyện sang nhượng này Ban giám đốc cũng có biết.
Bà Lệ còn khai, Trung tâm ITC có sẵn mặt bằng và giấy phép hành nghề vũ trường nhưng đây là hoạt động liên quan đến nhiều mặt phức tạp như ma túy, mại dâm mà ITC là một doanh nghiệp Nhà nước nên mình không muốn trực tiếp kinh doanh. Hơn nữa, ITC không có người am hiểu kinh doanh vũ trường, thời gian trước đây họat động thường xuyên thua lỗ. Do vậy, Ban giám đốc thống nhất để cho Nguyễn Văn Phương bỏ tiền đầu tư, ITC chỉ cử cán bộ trực tiếp theo dõi và quản lý hoạt động của vũ trường.
Nguyên Phó giám đốc ITC, ông Nguyễn Huỳnh Đang, lại cho rằng việc sang nhượng giữa Quyền và vợ chồng Phương - Thuỷ là chuyện bình thường. Khi chấm dứt hợp đồng với Quyền, nếu đóng cửa thì những bàn, ghế, máy móc đều bỏ phí. Ông Quyền có thể sang lại cơ sở vật chất này. Tôi "đánh giá cao năng lực của vợ chồng Phương - Thuỷ", ông Đang trình bày.
Ngày 25 và 26/5, HĐXX sẽ thẩm vấn 45 doanh nghiệp có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Ngày 27, 28/5 thẩm vấn đại diện hợp pháp của 60 nạn nhân đã chết; ngày 30/5, 1/6 thẩm vấn 70 người bị thương; 2/6 thẩm vấn 126 cửa hàng, cá nhân kinh doanh tại tòa nhà ITC và các đơn vị liên quan.
T. Nguyên (vnexpress)