Chính trường Italia: Loay hoay tìm lối thoát

Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 15/04/2013

(HNM) - Gần 50 ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội, các đảng phái ở Italia vẫn chưa thể hoàn tất đàm phán để thành lập chính phủ mới do những bất đồng khó khỏa lấp.


Đứng trước nguy cơ bế tắc chính trị sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lộ trình cải cách, đưa đất nước thoát khỏi những khó khăn về tài chính, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đã phải trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo các đảng phái nhằm tìm ra tiếng nói chung. Tuy nhiên, nỗ lực suốt một tuần qua của nhà lãnh đạo 88 tuổi này vẫn chưa đạt được kết quả khả quan nào.

Bế tắc chính trị đang đe dọa lộ trình cải cách kinh tế của Italia.


Hiện tại, Liên minh trung tả do nhà lãnh đạo Luigi Pier Bersani đứng đầu đã thừa nhận thất bại trong cuộc thương thảo với các chính đảng về thành lập chính phủ mới. Đúng với dự đoán, khả năng thành lập một đại liên minh giữa cánh tả với phe trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi - đảng về thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử đã không thành hiện thực. Nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của đảng Phong trào 5 sao (M5S) - đảng về thứ 3 - cũng không thành, vì danh hài Beppe Grillo vẫn khăng khăng sẽ không liên minh với bất cứ đảng nào, kể cả Liên minh cánh tả để lập chính phủ mới.

Trong một bước đi được cho là nhằm mở lối thoát do những quan điểm không thể dung hòa hiện nay giữa các đảng, ngày 14-4, Tổng thống G.Napolitano đã thành lập 2 nhóm làm việc tập hợp các chuyên gia và các nhân vật chính trị uy tín để nghiên cứu và đưa ra một kế hoạch cải cách thể chế chính trị, xã hội và kinh tế có khả năng nhận được sự ủng hộ của tất cả các chính đảng. Nhưng, giải pháp "chữa cháy" này chỉ được xem là bước đi tạm thời củaTổng thống G.Napolitano trong bối cảnh bế tắc chính trị hiện nay của đất nước. Để phá vỡ tình trạng "đóng băng" trên chính trường Italia là không đơn giản khi thế lực của các đảng tại Nghị viện khá ngang nhau.

Điều khiến dư luận lo ngại nhất hiện nay là, bế tắc chính trị kéo dài ở Italia sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy tiêu cực vì quốc gia này đang trải qua cuộc suy thoái và tình trạng thất nghiệp đã tới mức nghiêm trọng. Dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay của đất nước hình chiếc ủng sẽ giảm 1,3%, và có nghiên cứu còn cho rằng kết quả cuối cùng thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn. Điều này sẽ khiến nỗi bất bình của người dân ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với các cuộc biểu tình, đình công kéo dài. Do đó, các hoạt động sản xuất khó tránh khỏi bị đình đốn, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, gây bất ổn về an ninh - chính trị, ảnh hưởng tới hình ảnh của đất nước du lịch bên bờ Địa Trung Hải. Ở góc độ rộng hơn, bế tắc chính trị tại Rome sẽ tác động xấu tới Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong bối cảnh Italia đang ôm khối nợ công khổng lồ và cần một chính phủ đủ mạnh để có thể giải quyết vấn đề này. Cùng với cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng tại Cộng hòa Síp, bất ổn chính trị tại Italia khiến các nhà đầu tư lo ngại về sự ổn định của Eurozone. Vì vậy, giới kinh doanh, các chủ ngân hàng và lãnh đạo các nước trên thế giới đều hy vọng Italia sẽ sớm tìm được giải pháp phá vỡ tình trạng bế tắc để sớm tiến hành những cải cách cần thiết nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone thoát khỏi tình trạng suy thoái.

Hiện tại, Tổng thống G.Napolitano mong muốn tránh khả năng phải bầu cử lại, thế nhưng, thời gian tại nhiệm của ông lại không còn nhiều, vì ngày 15-5 tới đã là ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống. Do đó, khả năng Italia sẽ buộc phải tổ chức các cuộc bầu cử mới là có thể - sớm nhất là trong vài tháng tới, hoặc muộn nhất là trong vòng một năm nữa. Và, nếu điều này xảy ra, nền kinh tế vốn đang bất ổn của Italia sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các thị trường sẽ rối loạn trở lại tiếp sau cuộc khủng hoảng từng buộc chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi sụp đổ vào năm 2011.

Quỳnh Chi