Mùa mưa bão 2013: Sẵn sàng các phương án ứng phó

Đời sống - Ngày đăng : 06:18, 15/04/2013

(HNM) - Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn (KTTV), năm 2013, diễn biến KTTV khu vực Bắc bộ, trong đó có Hà Nội không quá phức tạp nhưng những hình thái thời tiết cực đoan, bất thường vẫn có thể xảy ra, rất khó lường.

Từ tháng 7 đến tháng 9-2013, các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của một đến 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Tổng lượng mưa toàn mùa (từ tháng 5 đến tháng 10) xấp xỉ trung bình nhiều năm, dao động từ 1.347mm đến 1.484mm và sẽ xảy ra từ 7 đến 9 trận mưa to đến rất to… Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Đồng bằng Bắc bộ Nguyễn Văn Bảy cho rằng, với sự bất thường của thời tiết trong thời điểm hiện nay, mùa mưa bão năm 2013 ở khu vực Bắc bộ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường. Các địa phương vẫn phải chủ động phòng chống bão mạnh, mưa lớn cục bộ, lũ lên cao bất thường và sạt lở đất ở vùng núi.

Cụm công trình đầu mối Yên Sở đã sẵn sàng ứng phó với mưa bão. Ảnh: Bảo Lâm


Trước những bất thường của thời tiết trong tình hình hiện nay, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) thành phố đã đưa ra phương án cụ thể đối với khu vực nội thành cho hai vùng lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Đối với sông Tô Lịch, khai thác triệt để năng lực và chủ động tiêu đối với cụm công trình đầu mối Yên Sở, các hồ điều hòa và hệ thống công trình dẫn tiêu trong lưu vực; mở đập Thanh Liệt tiêu kiệt nước đệm trên sông Tô Lịch trước khi mưa, bão xảy ra. Theo ông Lưu Văn Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội: "Khi xảy ra mưa úng sẽ vận hành trạm bơm Yên Sở gồm 22 máy với tổng công suất 90m3/s. Cùng với đó là vận hành trạm bơm Đông Mỹ để tiêu hỗ trợ trạm bơm Yên Sở; vận hành trạm bơm Hòa Bình và Siêu Quần. Đối với lưu vực sông Nhuệ, sẽ duy trì mực nước tại thượng lưu đập Hà Đông (dưới +5m) để bảo đảm tiêu nước cho lưu vực".

Giám đốc Công ty Thủy lợi sông Nhuệ Nguyễn Quốc Hội cho rằng, ở khu vực sông Nhuệ, khi mực nước lũ lên cao, giải pháp mở đập Thanh Liệt là lựa chọn tối ưu nhất. "Thực tế năm 2012 đã chứng minh với trận mưa đầu tháng 7-2012 đã gây úng ngập cho huyện Từ Liêm, gây tràn 630ha bờ hữu sông Nhuệ khu vực phía thượng, hạ lưu cầu Láng - Hòa Lạc; gây tràn 1.800m hai bờ kênh Cầu Ngà của huyện Đan Phượng và Hoài Đức nhưng hậu quả lại uy hiếp Từ Liêm. Khi mở đập Thanh Liệt đã khắc phục được tình trạng này" - Ông Hội cho hay. Theo đó, phương án mở đập Thanh Liệt sẽ được chọn khi nước ở thượng lưu đập Thanh Liệt ở mức +3,5m, mực nước sau đập Thanh Liệt (sông Nhuệ) đạt +4,5m, cùng lúc đó là vận hành trạm bơm Nam Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt, để triển khai đồng bộ các giải pháp này, các ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm túc kế hoạch, phương án đã định. "Sông Nhuệ là dòng chính để tiêu nước khi ngập úng nhưng đang bị bồi lắng, dòng chảy bị hạn chế, khi xảy ra mưa lớn, địa phương nào cũng bơm nước đổ ra sông, không chấp hành nghiêm phương án thì sẽ rất nguy hiểm cho toàn hệ thống" - Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cảnh báo. Do đó, đối với khu vực ngoại thành, do hệ thống công trình tiêu úng được xây dựng từ lâu, địa hình bị chia cắt, thay đổi nên việc tiêu úng chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, các địa phương phải linh hoạt, chuẩn bị sẵn sàng việc khoanh vùng, khép kín khu tiêu, giữ nước vùng cao, vợi nước vùng trũng, ưu tiên vùng tập trung dân cư.

Về phương án bảo đảm an toàn cây xanh, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch PCLB năm 2013 gồm cắt, sửa cây thường xuyên khoảng 1.795 cây; cắt, chặt hạ, đánh gốc trồng cây thay thế các cây chết, cây sâu mục, cây cản trở giao thông cho hơn 1.700 cây; dự kiến phương tiện, nhân lực giải tỏa 300 trường hợp cây gãy, đổ khi có tình huống mưa bão xảy ra… Ông Hưng cũng đề nghị khi có tình huống mưa bão lớn xảy ra, các Sở Giao thông vận tải, Xây dựng giao ngay nhiệm vụ cho các đơn vị có trách nhiệm trong ngành hỗ trợ, giúp đỡ công ty về trang thiết bị, phương tiện để phối hợp xử lý tình huống.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ PCLB năm 2013, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả phương án "4 tại chỗ". "Bên cạnh chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện thì vấn đề quan trọng nhất của phương châm "4 tại chỗ" là nguồn nhân lực. Chúng ta phải xây dựng được danh sách với lực lượng bảo đảm tinh thông nghiệp vụ và sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra" - Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo chỉ rõ. Về phương tiện PCLB, Ban Chỉ huy PCLB phải xây dựng phương án cụ thể, phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị, ngành chuẩn bị sẵn khi được huy động.

Chí Kiên