Giúp thanh niên lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Đời sống - Ngày đăng : 07:00, 14/04/2013

(HNM) - Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội đang từng bước khẳng định vai trò, chức năng tập hợp, bảo vệ lợi ích hợp pháp cho thanh niên yếu thế, trong đó chương trình

Hiệp sĩ CNTT Khúc Hải Vân (giữa), thiếu úy Mai Thị Bích Phượng - cán bộ trại giam và phạm nhân Trần Thị Nguyệt trong buổi giao lưu tại Trại giam Thanh Xuân. Ảnh: Mai Châm


Chương trình giao lưu "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" lần thứ ba do Thành đoàn, Hội LHTN TP Hà Nội tổ chức cuối tháng 3-2013 tại Phân trại 3, Trại giam Thanh Xuân, đã tạo nhiều cảm xúc và gợi mở, động viên 500 trại viên về hướng đi cho tương lai của mình. Vị khách được mời đến giao lưu - Hiệp sĩ công nghệ thông tin khiếm thị Khúc Hải Vân đã khiến cả hội trường ngưỡng mộ về sự tự tin, nghị lực phi thường của anh trong công việc, cuộc sống và cả cách truyền niềm tin cho người xung quanh. Khúc Hải Vân kể về con đường khởi nghiệp, vào thời điểm tốt nghiệp THPT, khi chiếc máy chữ nổi bị hỏng, anh được người bạn giới thiệu làm quen với máy tính và đây chính là bước ngoặt của cuộc đời anh. Trải qua nhiều khó khăn và nhờ phần mềm đọc màn hình cho người khiếm thị, Khúc Hải Vân đã thành thạo kỹ năng tin học. Năm 2005, anh cùng với một người bạn mở Trung tâm Tia Sáng dạy tin học cho người khiếm thị. Vừa đi học (Khoa văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội), Khúc Hải Vân vừa dạy tin học cho hơn 60 người khiếm thị với mong ước giúp họ tìm một cơ hội phát triển. Khúc Hải Vân đã biên soạn bộ giáo trình đào tạo tin học cho người khiếm thị bằng âm thanh, hình ảnh và đã được Tạp chí Echip tôn vinh là Hiệp sĩ công nghệ thông tin. Khúc Hải Vân kể câu chuyện thực tế của đời mình nhằm mong muốn mỗi phạm nhân đang cải tạo tại Trại giam Thanh Xuân nhận thức được giá trị của bản thân, không ngừng cải tạo tốt, sớm đến ngày được hòa nhập cùng cộng đồng. Khúc Hải Vân nói: "Ngày niên thiếu, tôi không nhìn thấy gì, ai cũng xa lánh, sợ hãi. Nhưng tôi đã làm cho mọi người yêu quý mình bằng sự chân thành. Tôi biết tôi có thể mang niềm vui đến cho mọi người. Sau này, tôi rút ra bài học, muốn thành công, phải biết được giá trị của mình trong cuộc sống".

Lắng nghe câu chuyện, phạm nhân Trần Thị Nguyệt (27 tuổi, quê Thanh Hóa) đang thực hiện án cải tạo 3 năm cũng bùi ngùi, bày tỏ: "Những ngày sống ở trại, tôi cảm nhận cái giá phải trả cho những nông nổi, bồng bột của tuổi trẻ. Sau thời gian thực hiện án phạt tù, về cộng đồng, tôi sẽ tìm việc làm, chăm lo lao động, phấn đấu trở thành người tốt để bố mẹ vui lòng. Tôi cũng mong cộng đồng đón nhận, tạo điều kiện, giúp tôi không mặc cảm, tự tin hòa nhập". Hoàng Thị Phúc (23 tuổi, quê Sơn La), đang thực hiện án phạt 15 năm tù vì tội buôn bán tàng trữ trái phép chất ma túy. Phúc là một phạm nhân có tinh thần cải tạo tốt, luôn mong muốn nhận được sự cảm thông của mọi người vì cho rằng ai cũng có lúc mắc sai lầm, chỉ có điều mình phải nhận ra sai lầm, tự cải tạo và sửa chữa. Phúc tâm sự, khi bị tuyên án phạt 15 năm, chị rất tuyệt vọng, đã có lúc không muốn sống nữa. Nhưng nhờ sự an ủi, động viên của bố mẹ, Phúc có nghị lực bước tiếp chặng đường khó khăn trong trại. Chương trình giao lưu "Thắp sáng ước mơ hoàn lương" giúp tôi và các phạm nhân khác rút ra được nhiều điều. Đặc biệt tấm gương vượt khó của anh Khúc Hải Vân tiếp thêm sức mạnh cho tôi hoàn thiện lại mình, mong đợi ngày trở về với xã hội" - Phúc tự tin nói.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà cho biết, Chương trình '"Thắp sáng ước mơ hoàn lương" được Thành đoàn Hà Nội ký kết, phối hợp với Công an TP Hà Nội nhằm mục đích tư vấn pháp luật cho phạm nhân; giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa đoàn viên thanh niên Thủ đô với các phạm nhân và khám bệnh, cấp thuốc cho phạm nhân đang cải tạo tại trại giam. Đây là chương trình cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đoàn thành phố lần thứ XIV về khâu đột phá "xây dựng nét đẹp trong văn hóa ứng xử, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh niên Thủ đô". Thành đoàn Hà Nội xác định, đối tượng của chương trình không chỉ dừng lại ở đoàn viên thanh niên đang học tập, công tác ngoài xã hội, mà còn quan tâm đến các đối tượng thanh niên đặc thù với thông điệp "Những người có quá khứ chưa được trọn vẹn, hãy cố gắng để có một hiện tại thật tốt và xây dựng một tương lai tươi sáng".

Giai đoạn 2013-2015, Thành đoàn, Hội LHTN TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn, hội tích cực tham gia phối hợp giáo dục phạm nhân, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức tư vấn, trợ giúp pháp lý, tâm lý, kỹ năng sống cho thanh niên mắc vào các tệ nạn xã hội; hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân. Cùng với tuyên truyền, Hội LHTN TP Hà Nội đã kêu gọi một số doanh nghiệp trẻ của Thủ đô tiếp nhận những thanh niên hoàn lương vào làm việc tại đơn vị. Tiêu biểu là Công ty TNHH Việt Phúc (quận Hai Bà Trưng) đã cam kết đồng hành, sẽ tuyển dụng thanh niên hoàn lương do Đoàn, Hội LHTN giới thiệu. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp với Trung tâm Reach tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho thanh niên khuyết tật và thanh niên hoàn lương; vận động Hội LHTN 29 quận, huyện thành lập "Quỹ hỗ trợ thanh niên lập nghiệp", giúp thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên hoàn lương vay vốn làm ăn, kinh doanh, tái hòa nhập cộng đồng nhanh, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. 

Việt Tuấn